Bất hợp lý trong Giấy phép xây dựng
Ông Lê Viết Ba, Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, nên phân biệt rõ hai trường hợp: Đối với những nơi đã có qui hoạch chi tiết được duyệt, GPXD không cần có đủ các chi tiết như qui định hiện hành. Còn với những nơi nằm trong khu vực phải chỉnh trang đô thị, GPXD bắt buộc phải có đầy đủ các giấy tờ liên quan. Ông Ba cũng cho biết thêm, với trường hợp không cần GPXD, Luật Xây dựng đang "bỏ quên" nhưng bù lại Nghị định 12/2009/NĐ-CP nhắc rõ: Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được miễn GPXD. "Qui định "hợp lý và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính" này cần được bổ sung vào Luật Xây dựng để tạo nên tính thống nhất cho các văn bản luật và dưới luật" - ông Ba nói.
Liên quan tới GPXD, các chuyên gia còn đề nghị sửa nội dung Điều 63 Luật Xây dựng theo hướng Hồ sơ xin cấp GPXD chỉ cần có bản thiết kế sơ bộ (mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt…) mà không cần nộp cả thiết kế chi tiết như hiện nay. Khuyến nghị của các chuyên gia xuất phát từ thực tế quản lý Nhà nước đối với tất cả các dự án, Nhà nước chỉ cần xem xét nội dung thiết kế cơ sở trong dự án, còn đối với các bước thiết kế tiếp theo, để chủ đầu tư tự thẩm định và phê duyệt. Dựa trên nguyên tắc "tự làm, tự chịu", chủ đầu tư và nhà tư vấn thiết kế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản vẽ đó.
Xử phạt vi phạm chưa nghiêm
Xung quanh vấn đề xử phạt vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, nhiều ý kiến trong đó có cả đại diện DN đều cho rằng, các văn bản luật hiện hành qui định chưa nghiêm, chưa rõ. Theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP, mức phạt cho vi phạm liên quan tới "công trình khác" từ 30 - 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, cụm từ "công trình khác" là rất… mông lung, có thể bao gồm rất nhiều loại công trình, bao gồm cả các công trình nhỏ như công trình xây dựng tường rào, ki ốt bán hàng hóa nhỏ lẻ… Nếu qui định về mức phạt như vậy mà không có hướng dẫn cụ thể về khái niệm "công trình khác" sẽ gây ra nhiều khó khăn, phức tạp, tạo thêm vướng mắc và tiêu cực trong quá trình thực thi. Do đó, ông Mai Lương Việt, Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt và Cộng sự đặt vấn đề, cần qui định cụ thể thế nào là "công trình khác" với các mức độ vi phạm và mức phạt tương ứng cho phù hợp.
Rà soát các văn bản luật trong lĩnh vực xây dựng, ngoài Luật còn có 14 - 15 Nghị định và dưới các Nghị định đó là hàng chục Thông tư hướng dẫn qui định về trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện. Văn bản nhiều nhưng công tác quản lý, giám sát xử lý vi phạm chúng ta làm không nghiêm và dẫn đến có luật mà như không có luật. Thực tế này đã diễn ra nhiều năm, vì thế theo ý kiến của ông Phan Vũ Anh, Tổng Công ty CP Vinaconex, vấn đề mấu chốt là cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát chứ không phải cứ "vẽ" ra qui định là xong.
"Tôi nhận thấy tư duy thị trường của các nhà lập pháp ta còn quá yếu, chỉ thấy ngành mà không thấy thị trường, dẫn đến việc chỉ coi trọng thủ tục hành chính mà ít quan tâm quản lý thị trường. Cho đến gần đây, giá cả trong lĩnh vực xây dựng vẫn được quản lí như thời bao cấp, không quan tâm mối quan hệ thầu chính - thầu phụ, đánh giá năng lực nhà thầu theo số lượng nhân công và xe, máy, nặng về qui định trách nhiệm mà nhẹ về bảo vệ quyền lợi nhà thầu…". Ông Phạm Sỹ Liêm Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam "Luật Xây dựng đề cập quá nhiều chi tiết và thiếu tính thời sự, có những nội dung không cần đề cập trong luật mà chỉ cần đưa vào các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, Luật cũng chưa quan tâm nhiều tới việc qui phạm hoá thị trường xây dựng và quá nhấn mạnh đến các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng…". Ông Nguyễn Văn Châu Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam |