Để hạn chế tình trạng này Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội sẽ có biện pháp kiểm tra như thế nào. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc (ảnh bên), về vấn đề này.
- Hiện có tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh gas không đủ chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ theo Nghị định 107/2009 những vẫn được cấp phép hoạt động kinh doanh, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Nghị định 107/2009 NĐ -CP quy định các cơ sở kinh doanh gas muốn được cấp phép thì nhân viên kinh doanh gas phải được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ. Tuy nhiên, việc đào tạo, cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ hiện do 4 đơn vị khác nhau quản lý gồm: Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (CS PCCC), Công Thương, Tài nguyên - Môi trường và Sở Khoa học - Công nghệ. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ sẽ do phòng kinh tế của UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn.
Tuy nhiên, việc triển khai đào tạo diễn ra chậm chạp, hiện Sở CS PCCC và ngành công thương đã cấp được giấy chứng nhận PCCC và nghiệp vụ kinh doanh gas cho 70 - 80% DN. Sở Khoa học - Công nghệ mới chỉ đào tạo và cấp giấy chứng nhận nghiệp vụ đo lường cho 30% DN kinh doanh gas. Sở Tài nguyên - Môi trường chưa thực hiện triển khai việc tập huấn nghiệp vụ bảo vệ môi trường. Các phòng kinh tế của UBND các quận, huyện chưa triển khai việc tập huấn cho các hộ kinh doanh cá thể. Chính vì vậy đến thời điểm này, các quận, huyện chưa nhận được bất cứ hồ sơ đầy đủ nào xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh gas cho đối tượng là hộ kinh doanh, HTX. Sở Công Thương cũng mới chỉ cấp 1 giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí hóa lỏng cho 1 doanh nghiệp.
- Để ngăn chặn tình trạng các cửa hàng kinh doanh gas chưa đủ điều kiện, trong thời gian tới lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra thị trường như thế nào?
Chi cục QLTT Hà Nội đã có kế hoạch 408/KH-QLTT yêu cầu lực lượng QLTT đẩy mạnh kiểm tra về đo lường, chất lượng đối với mặt hàng gas và xăng dầu. Theo đó lực lượng QLTT kết hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra tất cả các cửa hàng, doanh nghiệp buôn bán mặt hàng này. Trong quá trình kiểm tra, QLTT yêu cầu chủ cửa hàng xuất trình giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Phòng chống cháy nổ… Bên cạnh việc các đội QLTT đẩy mạnh hoạt động kiểm tra địa bàn do mình quản lý, Chi cục QLTT Hà Nội còn xây dựng 3 đội kiểm tra chuyên ngành việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sang chiết gas trái phép, xâm phạm sở hữu công nghiệp, thiết bị gas không có nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo… trên toàn địa bàn Hà Nội.
Sau khi xay ra những trường hợp bình gas cháy nổ, Chi cục đã có nhiều công văn yêu cầu các đội QLTT tăng cường hơn nữa hoạt động này, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt theo đúng quy định.
- Trong quá trình thực hiện hoạt động này lực lượng QLTT có gặp khó khăn, vướng mắc gì không thưa ông?
Vướng mắc lớn nhất trong quá trình kiểm tra là việc có quá nhiều cửa hàng, DN không đủ giấy chứng nhận về nghiệp vụ theo quy định. Nếu căn cứ theo quy định các cửa hàng này phải tạm dừng hoạt động để hoàn tất thủ tục giấy tờ. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng gas cho người dân, gây bất ổn thị trường.
Không chỉ có vậy, việc xử phạt vi phạm cũng đang gặp nhiều khó khăn bởi chưa có nghị định quy định cụ thể. Nghị định 107/2009 NĐ -CP chỉ đưa ra những quy định trong hoạt động kinh doanh, quản lý mặt hàng khí hóa lỏng chứ không nêu mức độ xử phạt. Vì vậy, khi phát hiện những trường hợp vi phạm lực lượng chức năng chỉ có thể phạt cơ sở vi phạm theo Nghị định 06/2008/NĐ - CP nhưng mức xử phạt này khá nhẹ không đủ sức răn đe.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105/2011/NĐ-CP quy định xử phạt về vi phạm hành chính về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, nhưng nghị định này phải đến 15/1/2012 mới có hiệu lực.
- Xin cảm ơn ông!