Quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi: Còn nhiều lỗ hổng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) được đánh giá là lĩnh vực có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ và chi tiết để quản lý.

Mặc dù vậy, qua kiểm tra thực tế, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng như các địa phương vẫn phát hiện rất nhiều sai phạm về nhãn mác, chất lượng.

Phát hiện nhiều vi phạm

Theo số liệu mới nhất của Cục Chăn nuôi, trong năm 2013 và 10 tháng năm 2014, Cục đã trực tiếp kiểm tra 280 mẫu TĂCN lấy tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) trên cả nước. Kết quả, có 6,7% số mẫu vi phạm về chất lượng ở mức thấp so với công bố. Còn theo báo cáo của các địa phương, qua kiểm tra 217 mẫu, có tới 25,2% số mẫu vi phạm, chủ yếu về các chỉ tiêu chất lượng công bố và an toàn quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật thường thấy như protein thô, canxi, asen, kháng sinh. Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sau sự cố TĂCN nhiễm chất cấm gây cho ngành chăn nuôi một phen lao đao hồi năm 2012, Cục đã chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong nguyên liệu TĂCN sản xuất trong nước và nhập khẩu. Kết quả, dù vi phạm đã giảm song vẫn xảy ra ở không ít địa phương, nhất là những thời điểm giá thịt lợn tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở SXKD TĂCN thường vi phạm về ghi bao bì, nhãn mác kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục...
Tự phối trộn thức ăn chăn nuôi tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ.                  Ảnh: Quang Thiện
Tự phối trộn thức ăn chăn nuôi tại xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về quản lý TĂCN, từ giữa năm 2014, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo tăng cường kiểm soát chất cấm tại 6 tỉnh, TP trọng điểm về TĂCN, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Tính đến cuối tháng 10, các địa phương đã kiểm tra 462 cơ sở, lấy 1.255 mẫu để kiểm tra. Kết quả đã phát hiện nhiều mánh khóe tinh vi của việc kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của cả DN, thương lái và người chăn nuôi.

Xử phạt còn nhẹ

Để quản lý lĩnh vực TĂCN, Bộ NN&PTNT đã xây dựng, ban hành khá nhiều văn bản pháp quy, song thực
Cả nước hiện có 199 nhà máy sản xuất TĂCN với công suất thiết kế 22,2 triệu tấn/năm. Trong 11 tháng năm 2014, sản lượng TĂCN công nghiệp của cả nước là 12,9 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăn nuôi công nghiệp trong nước.
tiễn triển khai còn gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bày tỏ, dù chưa phát hiện việc sản xuất, sử dụng chất cấm trong TĂCN trên địa bàn TP, nhưng số lượng cơ sở sản xuất TĂCN lớn, lại xen kẽ trong các khu dân cư nên gây khó khăn trong quản lý. Bên cạnh đó, TP hiện có 19 cơ sở SXKD TĂCN có văn phòng tại Hà Nội nhưng thuê gia công ở tỉnh khác, trong khi nhiều quận, huyện cũng chưa quan tâm đến quản lý TĂCN.

Một số địa phương cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TĂCN còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại chỉ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng, rất thấp so với lợi nhuận từ việc sử dụng chất cấm. Một vấn đề khác là theo quy định, TĂCN quá hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục, bên cạnh hình thức xử phạt chính còn phải phạt bổ sung là tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng hầu hết các địa phương đều lúng túng trong triển khai.

Để kiểm soát tốt hơn chất lượng TĂCN, đảm bảo ATTP và sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi, các địa phương kiến nghị Chính phủ điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với hành vi SXKD TĂCN kém chất lượng, nhất là sử dụng chất cấm; Bộ NN&PTNT bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam đối với thức ăn bổ sung vitamin, chất khoáng. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường thanh tra điều kiện SXKD TĂCN để kịp thời xử lý, chấn chỉnh tận gốc vi phạm...