Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý giá, không thể nửa vời

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến lạm phát năm 2013 đã vượt kế hoạch kỳ vọng, phá vỡ xu thế 2 năm cao 1 năm thấp.

Tuy vậy, tại hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường năm 2013 và dự báo năm 2014" ngày 30/12, các chuyên gia đánh giá, thực chất nguy cơ lạm phát còn tiềm ẩn, kèm theo đó là tăng trưởng chậm lại, thâm hụt ngân sách lớn và cải cách cơ cấu còn chậm là những yếu kém mà nền kinh tế đang đối mặt.

CPI giảm: Chỉ 30% do điều hành

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên khi năm 2013 xăng, dầu, điện nước, thuốc, dịch vụ y tế… cái gì cũng tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại không tăng, có tháng lại giảm. Theo ông Phú, CPI giảm do tổng cầu, sức mua yếu chiếm 70% nguyên nhân, còn do điều hành chỉ 30%. CPI tăng thấp nhưng giá vẫn ở mức cao, túi tiền người dân eo hẹp, thu nhập giảm.

Giải thích rõ hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong chỉ ra, nhìn lại diễn biến giá cả năm 2013, nếu để ý có thể thấy có tháng CPI tăng tới 3,5% là do điều chỉnh giá điện, nước, y tế, chi phí đầu tư, hay tăng giá gas, xăng dầu... nhưng rõ ràng, nếu không điều chỉnh giá thì có tháng CPI tụt xuống, thậm chí là âm. Chia sẻ vấn đề này, TS Ngô Thị Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, thực tế, chỉ số hàng tồn kho gần đây giảm không phải do tiêu thụ nhanh mà do sức cầu giảm, tiêu thụ ít đi, DN buộc phải thu hẹp  sản xuất, điều này thể hiện rõ khi GDP cả năm 2013 tăng trưởng chậm lại.

 
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Hapro Gia Lâm. Ảnh: Quỳnh Linh
Người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa tại siêu thị Hapro Gia Lâm. Ảnh: Quỳnh Linh
Đánh giá về mức tăng CPI cả năm nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: "Nói là thấp nhưng theo quan điểm của tôi, CPI cả năm ở mức 6,04% không phải là thấp. Thấp vì chúng ta đã quen với việc CPI các năm tăng rất cao mà thôi". Nhìn lạm phát hiện nay chưa thể yên tâm bởi những lý do: Kiểm soát lạm phát không bền vững, nguy cơ về thiên tai, dịch bệnh, kinh thế giới với nhiều biến động phức tạp có thể làm biến động thị trường và giá hàng hóa… là những nguy cơ luôn rình rập đến chỉ số lạm phát. Chưa kể, lạm phát do yếu tố tiền tệ khi mà Ngân hàng Nhà nước đặt quyết tâm thực hiện mục tiêu năm 2013 là tăng trưởng tín dụng đạt 12% và đặt mục tiêu năm 2014 mức tăng này là 14%, có thể sẽ là nguy cơ tác động lên lạm phát.

Xóa bỏ độc quyền nhiều mặt hàng thiết yếu

Diễn biến giá cả Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào quan điểm và quyết sách thực hiện lộ trình điều chỉnh giá một số mặt hàng của Nhà nước (điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục...), vì đây đều là yếu tố đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế và tiêu dùng xã hội, có ảnh hưởng trước hết và trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành và hoạt động kinh tế liên quan. Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng, và phân phối về thời gian một cách hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động xấu tới đời sống người dân.

Trong công tác quản lý, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đề ra, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu tiếp tục thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ông Vũ Vinh Phú đặt vấn đề, "điều hành giá theo cơ chế thị trường nhưng phải xóa bỏ độc quyền nếu không sẽ vẫn chỉ là cơ chế thị trường nửa vời. Như Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu cũng không có gì thay đổi lớn so với Nghị định 84/2009/NĐ - CP hiện hành.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền tỏ ra khó hiểu khi vụ tăng cước 3G, nhà quản lý lại đứng ra giải thích hộ, trong khi 3 DN do Nhà nước quản lý chiếm thị phần áp đảo này đang lãi lớn. Sự việc này một lần nữa cho thấy lợi ích nhóm trong điều hành kinh tế vĩ mô đối với các sản phẩm độc quyền. "Thủ tướng càng kêu gọi hướng tới theo cơ chế thị trường thì các bộ lại càng tỏ ra o bế", chuyên gia Nguyễn Thị Hiền gay gắt.

  Sức ép hiện nay là phải cải cách thể chế kinh tế trong đó có liên quan đến quản lý giá, chống độc quyền. Đã đến lúc phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với giá nhiều mặt hàng thiết yếu trên cơ sở làm rõ và công khai, minh bạch chi phí sản xuất, giá thành để có chủ trương hợp lòng dân. Thậm chí có không ít ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng cần tính đến việc chia nhỏ các tập đoàn ra, tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ hơn.