Kinhtedothi - Ngày 26/11, Ủy ban ATGT Quốc gia đã tổ chức Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2015, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, khách mời trong nước và quốc tế. Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu là công tác quản lý giao thông bằng khoa học công nghệ, biện pháp đã phổ biến ở nước ngoài nhưng vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch tập đoàn FPT, một trong những đơn vị triển khai xây dựng hệ thống camera giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT trên hệ thống đường bộ cho biết, đây là một trong những đề xuất đã được Tập đoàn FPT đề xuất từ Hội nghị ATGT năm 2014. Đến nay đã 12 tháng trôi qua nhưng kết quả đạt được chủ yếu vẫn... chưa có gì. “Trong 12 tháng qua, thì đến 11 tháng 1 tuần tiến hành họp hành, bàn bạc, 3 tuần còn lại DN mới có thể bắt tay vào thực hiện” – ông Bình cho biết.
Ở một góc độ khác, Thiếu tướng Trần Sơn Hà – Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, hiện tại, việc thí điểm giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên đường bộ đang được triển khai trên 2 tuyến cao tốc là Nội Bài – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của camera ghi lại để xử lý vi phạm là vấn đề không hề đơn giản. Theo lý giải của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, do ý thức kém của người tham gia giao thông, sự phối hợp lỏng lẻo giữa đơn vị quản lý tuyến đường và các lực lượng chức năng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Cũng theo Thiếu tướng Trần Sơn Hà, tại nhiều nơi, dù đã lắp đặt hệ thống camera nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công, sửa chữa, chưa có đủ biển báo cần thiết, thậm chí là thi công làm mờ vạch kẻ đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông cũng như việc xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà cũng cho rằng, để tạo thuận lợi cho việc giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên đường bộ bằng camera, đặc biệt là những trường hợp cố tình không nộp phạt, Cục CSGT đường bộ, Bộ Công an đã và đang kiến nghị Chính phủ thông qua quy định, bắt buộc người đăng ký phương tiện (trước mắt là ô tô) phải có tài khoản ngân hàng.
Cần quy về một mối
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng, các đơn vị chức năng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu như đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xử lý vi phạm trật tự ATGT, TNGT để kết nối phục vụ việc truy cập, tra cứu thông tin chủ phương tiện để xử lý triệt để các hành vi vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh.
Ngoài ra, khi triển khai rộng rãi trên các tuyến khác, cần phải tính toán, cân nhắc, chỉ nên giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính về xây dựng, triển khai, vận hành và quản lý hệ thống để đảm bảo đồng bộ cả về tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và vận hành. Nếu phải xã hội hóa thì hồ sơ thiết kế phải tuân thủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Công an và phải do hội đồng thẩm định của Bộ Công an thẩm định, phê duyệt để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích của toàn hệ thống.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong những năm qua, mặc dù TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng đây vẫn là con số lớn gây bức xúc trong dư luận. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những hạn chế của hạ tầng giao thông, chất lượng đào tạo, quản lý sát hạch lái xe... và đặc biệt là những rào cản trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. “Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương những DN, tổ chức tham gia tổ chức thí điểm kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh. Sự tham gia của các DN này đã góp phần quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác quản lý giao thông, giảm tải áp lực cho các lực lượng chức năng, góp phần giảm thiểu TNGT” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hệ thống điều khiển giao thông hiện đại của Hà Nội. Ảnh: Công Khanh
|
Công Trình Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Hoàng Hà
|
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Y tế... và các địa phương tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là các ý kiến giảm thiểu vệt hằn lún bánh xe, giảm thiểu TNGT ở nông thôn, xóa điểm đen, kiểm tra nồng độ cồn, ứng phó sau tai nạn, kiểm soát sức khỏe của lái xe... từ đó bổ sung, sửa chữa các quy định sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. |