Quản lý hành chính tại các khu đô thị mới: Những khoảng trống cần lấp

Nhóm PV Nội chính
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều khu đô thị (KĐT) mới với quy mô, số lượng dân cư lớn. Điều đó không chỉ tạo lập nên những KĐT với điều kiện sống hiện đại, tiện ích cho người dân, mà còn mang đến sự thay đổi tích cực về diện mạo Thủ đô.

Bài 1: “Quá tải” với cấp phường
Tuy nhiên, do số lượng dân cư tại các KĐT thường lớn, tập trung ở một số địa bàn nhất định nên dẫn đến những sức ép về vấn đề hạ tầng xã hội, quản lý đô thị… cho chính quyền địa phương. Qua khảo sát của báo Kinh tế & Đô thị, một thực tiễn khác cũng đang đặt ra là những “khoảng trống” trong quản lý hành chính, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở tại khu vực này, rất cần giải pháp căn cơ, mô hình phù hợp để tháo gỡ.
 Một tòa nhà chung cư khu đô thị Linh Đàm. Ảnh: Nguyễn Đức
Khi KĐT mới hình thành với nhiều tòa nhà lớn được bàn giao, đưa vào vận hành, đồng nghĩa với việc chính quyền cơ sở phải “ôm” việc quản lý một khối lượng dân cư lớn, nhưng đội ngũ cán bộ vẫn không thay đổi, dẫn đến thực trạng “quá tải” hoặc nhiều khi “bỏ trắng trận địa”.
Dân tăng, việc tăng gấp bội
Choáng ngợp, ngột ngạt - đó là cảm giác của bất kỳ ai mới bước chân vào khu bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Các tòa chung cư mọc lên san sát, giao thông tắc nghẽn tại các đường trong KĐT vào giờ cao điểm. Với diện tích khoảng 4,85km2, gần bằng diện tích của quận Hoàn Kiếm, phường Hoàng Liệt là một trong những địa bàn có dân số đông nhất TP Hà Nội. Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn phường có 78 tòa nhà chung cư với khoảng 80.000 dân.
Khu chung cư Royal City có 6 tòa nhà, dù đã thành lập được 2 chi bộ, 10 TDP nhưng việc quản lý hành chính ở khu chung cư đông dân cũng phức tạp hơn. Ở chung cư, người dân không mặn mà làm các công việc “vác tù và hàng tổng”, bởi gặp nhiều áp lực nhưng chưa được ghi nhận. Nên có tòa nhà một năm không thể bầu được Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố và khi chưa thành lập được, ai cần phải xác nhận gì, đều được giới thiệu ra chi bộ, TDP bên cạnh.
Tổ trưởng dân phố số 35 kiêm Trưởng BQT Khu chung cư Royal City (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân) Nguyễn Mạnh Tuân
Chính mật độ đô thị dày đặc và gia tăng dân số cơ học chóng mặt, khiến hạ tầng cơ sở của phường phải chịu áp lực quá lớn. Điển hình là tình trạng "trắng trường, thiếu trạm" đang là nguy cơ lớn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân nơi đây. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, thời điểm hiện tại phường có 2 trường, nhưng năm học 2019 - 2020, có tới 1.900 học sinh vào lớp 1; nếu sĩ số 1 lớp học là 60 học sinh/lớp, phường thiếu hẳn 40 lớp học mới đủ cho lượng học sinh trên. Dù chính quyền đang tích cực hoàn thiện các thủ tục xây dựng thêm trường Tiểu học Hoàng Liệt, nguy cơ thiếu chỗ học vẫn hiện hữu.
Dân số đông nên việc thực hiện văn minh đô thị ở đây cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí gần như không làm được. Như tại KĐT bán đảo Linh Đàm, tình trạng quán cóc, ki-ốt lấn chiếm vỉa hè diễn ra vô cùng phức tạp. Người dân còn “kêu trời” khi các xe ô tô đỗ kín sân các KĐT, tràn ra cả ngoài đường, chặn lối người đi bộ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Dân số tăng gấp nhiều lần nhưng cán bộ phường vẫn giữ nguyên ở con số 25 biên chế (bình quân một cán bộ phường phải phụ trách tới 3.200 dân), đây là một áp lực rất lớn. Như Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Thái Sơn chia sẻ, số lượng dân đông cùng nhiều vấn đề của các KĐT mới phát sinh, bộ máy quản lý hành chính của phường lúc nào cũng rơi vào tình trạng quá tải bởi việc nhiều nhưng biên chế ít. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Mạnh Hà (cán bộ duy nhất của phường phụ trách lĩnh vực đô thị) cũng cho biết: Khi KĐT bán đảo Linh Đàm mất nước, trách nhiệm giải quyết thuộc về Ban quản trị (BQT) các tòa nhà và đơn vị cung cấp nước, nhưng người dân chỉ biết kêu lên phường và phải có sự chỉ đạo của phường, đơn vị cung cấp nước mới giải quyết. Bởi thế, phường quá tải bởi việc gì cũng “đến tay” phối hợp, chỉ đạo giải quyết, song với nhân sự của phường hiện không thể làm hết được.
“Sống chung với lũ”
Phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng là một địa bàn bùng nổ dân số bởi các tòa nhà chung cư. Trong đó, KĐT Times City đưa vào sử dụng từ năm 2012 với 11 tòa nhà, trở thành địa bàn dân cư số 23 của phường (các tòa còn lại thuộc quận Hoàng Mai) có số dân hơn 2,3 vạn người (gần nửa dân số toàn phường Vĩnh Tuy và tương đương một phường quy mô trung bình). Điều đáng mừng, đây là một KĐT điển hình của Hà Nội làm tốt công tác quản lý vận hành, nhất là sớm kiện toàn được hệ thống chính trị cơ sở từ năm 2015, với đủ cả chi bộ, tổ dân phố (TDP), Ban Công tác mặt trận, các đoàn thể.

Với sự quá tải của phường như hiện nay, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần về việc tách phường; nhưng xem ra rất không khả thi vì hiện nay còn đang thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy và biên chế.

Bí thư Chi bộ Tây Nam Linh Đàm (quận Hoàng Mai) Nguyễn Văn Phước

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy Trần Nam Sơn cho biết: Chính bởi số dân của KĐT rất lớn nên công tác quản lý hành chính cũng gây khó cho chính quyền và cán bộ cơ sở, chưa kể trên địa bàn còn 12 tòa chung cư khác. Tính trung bình mỗi tòa tại Times City có hơn 2.000 nhân khẩu, biến động dân cư rất lớn. Thậm chí có chủ hộ chưa biết tổ trưởng dân phố là ai, hoặc tổ trưởng chưa quen mặt chủ hộ thì căn hộ đã được bán. Bởi vậy, quản lý dân cư rất phức tạp, vừa khó cho tổ trưởng dân phố nắm bắt địa bàn, vừa áp lực cho cán bộ công chức phường trong giải quyết hồ sơ hành chính, nhất là việc kiểm tra hành chính của công an phường, cảnh sát khu vực (CSKV).
Các địa bàn khác chỉ cần 1 CSKV nhưng ở địa bàn này phải bố trí 2 CSKV. “Biết là rất khó khăn nhưng chúng tôi xác định phải “sống chung với lũ”. Cán bộ phường phụ trách địa bàn nhiều khi tối, đêm phải đến tận nơi giải quyết công việc, nắm bắt tình hình khi bầu BQT, hướng dẫn họ thực hiện đúng… Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là chính quyền phường thường phải đứng ra giải quyết những tranh chấp lợi ích giữa BQT và chủ đầu tư tòa nhà bởi những mâu thuẫn muôn thuở”- ông Sơn chia sẻ.
“Thiếu vắng” tổ dân phố
So với nhiều tỉnh, TP khác, Hà Nội vẫn là địa phương khá chủ động trong xây dựng hệ thống chính trị tại các KĐT mới. Tuy nhiên, nhiều KĐT vẫn đang rơi vào tình trạng không TDP, “trắng” chi bộ Đảng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Như tại KĐT Tây Nam Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) có khoảng 10.000 dân với 13 tòa nhà, nhưng trong đó chỉ có 2 tòa nhà có 1 TDP (được thành lập từ năm 2017), 1 chi bộ với 90 đảng viên. Tại KĐT tổ hợp HH (bán đảo Linh Đàm) gồm 12 tòa nhà; mỗi tòa với khoảng 720 căn hộ, nhưng cũng mới có hai khu có TDP. “Với tình trạng đông dân như hiện nay, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên thành lập thêm 2 TDP nữa để thuận cho việc quản lý dân cư, nhưng việc này còn phải chờ” - Bí thư Chi bộ Tây Nam Linh Đàm Nguyễn Văn Phước thở dài.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, việc không thành lập được TDP tại các KĐT mới cũng gây khó khăn với phường trong việc nắm bắt kịp thời tình hình, tư tưởng của người dân. Ngoài ra, ở các tòa nhà cũng chưa tìm được ra người có đủ điều kiện, uy tín để làm tổ trưởng TDP. Đối với các tòa nhà chưa thành lập được TDP, cần có đơn kiến nghị tập thể của cư dân, nếu chủ đầu tư không đứng ra tổ chức hội nghị, lúc đó phường mới đứng ra. “Song mong muốn của phường là muốn chủ đầu tư hợp tác trong vấn đề này để tránh những đơn thư khiếu kiện về sau”- ông Hà nói.
Một khó khăn khác cũng đặt ra là hiện nay có nhiều KĐT mới cùng nằm trên địa giới hành chính của các địa bàn khác nhau, nên chịu sự quản lý của nhiều chính quyền cùng một lúc. Thực tế này cũng gây khó khăn cho cả chính quyền và chủ đầu tư. Hơn nữa, việc thành lập các TDP là rất cần thiết, nhưng cũng không dễ tìm được người đứng ra gánh vác.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần