Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo: Nên có cơ quan độc lập

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội chuyên trách, thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề lớn của 2 Dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 vào tháng 10 tới là Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Luật về Hội.

Vừa mở, vừa không rõ ràng

Đó là quan điểm được nhiều ĐB đưa ra khi thảo luật Dự Luật Tín ngưỡng tôn giáo liên quan đến nội dung về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Theo Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội Phan Thanh Bình, sau khi tiếp thu ý kiến ĐB Quốc hội khóa XIII, Dự Luật đã dành một mục với 7 điều luật quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài và thiết kế một điều về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài trong Chương quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhưng nhiều ĐB cho rằng, quy định như trong Dự Luật vẫn còn nhiều kẽ hở. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng, “quy định vừa mở và không rõ” bởi luật chưa trả lời được câu hỏi: Người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam có được thành lập tổ chức cơ sở tôn giáo hay không? ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) băn khoăn, Dự Luật quy định tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được giảng đạo tại Việt Nam. Vậy giảng đạo ở đâu?, phải quy định rõ chứ không thể ở đâu cũng được giảng đạo.
Ðại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ðại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, các ĐB đề nghị bổ sung một hành vi nữa là “hành vi kích động tín ngưỡng tôn giáo, gây kích động bạo động, mê tín dị đoan”. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: Luật cần quy định thêm các hành vi bị cấm là lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại độc vật tàn bạo, mê tín dị đoan, gây phản cảm, bức xúc.

Liên quan đến công tác quản lý, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, ngoài 6 tôn giáo được Nhà nước thừa nhận, hiện có nhiều tôn giáo đang hoạt động, nhiều đạo đang len lỏi tuyên truyền nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. “Phải làm rõ quản lý Nhà nước ở cấp xã, phường hiện nay” - ĐB đề nghị.

Qua thảo luận, một số ĐB bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giao  cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo cho Bộ VHTT&DL, vì đây vốn là một hoạt động văn hóa tinh thần của Nhân dân. Tuy nhiên, nhiều ĐB khác lại cho rằng, cần phải có một cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay. Còn nếu chưa sắp xếp được cơ quan quản lý thì nên giữ nguyên như hiện nay. Nghĩa là, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo; Bộ VHTT&DL thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng.

Khái niệm hội vẫn mập mờ

Chiều cùng ngày, khi cho ý kiến Dự Luật về Hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, khái niệm về hội vẫn mập mờ, khiến công tác quản lý cán bộ bị lộn xộn. Ví dụ Cục trưởng tại Bộ Y tế lại làm Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá; người của Cục VSATTP, Bộ Y tế lại tham gia Hiệp hội sữa Việt Nam; người của Ngân hàng Nhà nước lại tham gia Hiệp hội vàng. Như vậy vừa đá bóng vừa thổi còi. “Tôi không đồng tình, vì tham gia còn làm ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước của chính cơ quan đó” - ĐB Cương nêu rõ.

Liên quan đến việc Dự Luật quy định: “Đối với Hội có đăng ký, cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội Nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an Nhân dân không được sáng lập Hội, đăng ký thành lập Hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động Hội, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền phân công” - ĐB Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng), Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng: Quyền lập Hội là quyền cơ bản của công dân nhưng công chức lại bị những giới hạn nhất định. Vì thế chỉ cần quy định trường hợp cán bộ, công chức, công an, bộ đội tham gia hoạt động Hội thì phải được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Một số ý kiến khác thì cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung và chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 2 tới.
Phải làm tốt hơn công tác thẩm tra

Ngày 8/9, bên lề Hội nghị ĐB Quốc hội chuyên trách, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin bà Châu Thị Thu Nga (bị bãi nhiễm ĐB Quốc hội Khóa XIII) khai bỏ ra 1,5 triệu USD để được có tên trong danh sách ứng cử ĐB Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Đây là thông tin chưa được kiểm chứng. “Cơ quan điều tra đang làm nên chưa có thông tin. Nếu có thông tin như thế phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Làm rõ đưa ai, bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thật thì đó là chuyện tày trời” - ông Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, cá nhân ông không tin đây là chuyện có thật, bởi “một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết vấn đề gì? Giờ một số ĐB Quốc hội chuyên trách được mời còn tránh không tham gia, vậy cá nhân bà Thu Nga muốn vào Quốc hội làm gì?”. Xung quanh băn khoăn của dư luận về việc lựa chọn ĐB Quốc hội từ câu chuyện của bà Châu Thị Thu Nga, ông Trịnh Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng: Tới đây phải làm tốt hơn công tác thẩm tra, đó là bài học về công tác quản lý, công tác hiệp thương, thẩm tra, quản ký hồ sơ lý lịch của ĐB Quốc hội.  “Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý. Chúng tôi không sợ mất uy tín mà không xử lý”- ông Phúc khẳng định.