Trong năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 161.239 vụ, xử lý gần 84.500 vụ, nộp ngân sách 329 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, tuy giảm về số vụ vi phạm và hàng tịch thu do chính sách thuế Nhà nước giảm theo lộ trình hội nhập, cộng với sự tăng cường kiểm tra kiểm soát của các địa phương, thực thi quyết liệt của các ngành chức năng, nhưng tình hình buôn bán hàng lậu, hàng cấm vẫn diễn biến phức tạp với hàng hóa vi phạm đa dạng và thủ đoạn tinh vi hơn.
Dự báo năm 2014, tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường xuyên tiếp diễn, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi và được tổ chức chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối. Đáng lưu ý là tình trạng hàng giả xuất xứ có chiều hướng gia tăng, hàng nhập từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ của Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Cùng với đó là việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả gây nguy hại đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng như tân dược, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... cũng ngày càng gia tăng.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014 là chú trọng các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng.
Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các đội chủ động xây dựng kế hoạch chuyên đề, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu với cuộc sống người dân, như: kiểm tra chất lượng xăng dầu, vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, phân bón giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu; làm rõ phương thức, thủ đoạn của từng đối tượng cụ thể với từng loại hàng, từng tuyến...
Kiểm tra, kiểm soát hành vi buôn lậu thủy hải sản, vận chuyển pháo lậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc và buôn lậu rượu và thuốc lá ở các tỉnh biên giới miền Trung. Đồng thời, xử lý các hành vi vi phạm về giá, bình ổn hàng hóa.
Hiện nay, hình thức buôn lậu đang biến tướng theo nhiều hướng, trong đó, hàng xách tay cũng đang bị các đối tượng lợi dụng để trốn thuế.
Trên tuyến hàng không, các lực lượng chức năng đã bắt giữ khối lượng lớn hàng mỹ phẩm xách tay. Tại các cửa khẩu, cư dân biên giới đã lợi dụng chính sách được xách tay 2 triệu đồng giá trị hàng hóa để quay vòng buôn lậu.
Nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng làm giả hàng xách tay, như hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đưa ra thị trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây thiệt hại về kinh tế, trong khi việc quản lý chất lượng mặt hàng này đang bị buông lỏng.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị: Đối với những hàng xách tay qua hải quan rồi thì có thể lưu thông trên thị trường, nhưng những mặt hàng như dược phẩm, mỹ phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng cần phải kiểm tra chất lượng.
Do vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra kiểm soát xem những mặt hàng đó đã có giấy chứng nhận sản phẩm chưa và được phép lưu thông trên thị trường không.
Rõ ràng, để theo kịp xu thế, cần có những quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng xách tay.