Quản lý Thị trường thực phẩm chức năng: “Loạn” vì thiếu chế tài

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng (TPCN) Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu, thì đến nay đã có tới 3.600 DN tham gia sản xuất và kinh doanh, với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành.

Phát triển “nóng” như vậy, song việc quản lý TPCN còn nhiều hạn chế, tạo kẽ hở gây loạn giá, loạn chất lượng trên thị trường.

Bát nháo thật - giả

Theo thống kê, 43% mặt hàng TPCN trên thị trường Việt Nam từ nhập khẩu, 57% là sản xuất trong nước với hơn 3.000 sản phẩm. Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, tình trạng sản xuất TPCN giả về chất lượng, giả về thương hiệu, giả về nguồn gốc xuất xứ đang diễn biến phức tạp. Hiện có nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm; sản xuất TPCN không đảm bảo vệ sinh. Hàng ngày, tivi quảng cáo hàng chục loại TPCN khác nhau từ bổ thần kinh, xương khớp cho người già và trung tuổi cho đến cả sản phẩm giúp trẻ hay ăn, mau lớn… khiến người tiêu dùng (NTD) “nhiễu” thông tin, không biết sản phẩm nào thực sự tốt, và có tốt như quảng cáo hay không.
 Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra thu giữ thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc trên đường Phạm Hùng. Ảnh Lê Nam

Theo ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhiều DN đang lợi dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, có hành vi lừa đảo NTD. Chỉ trong 10 tháng năm 2016, Bộ Y tế đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt 5,4 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 52 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 59,1%) với tổng số tiền 1,02 tỷ đồng. Các cơ sở khác có những hành vi vi phạm như kiểm nghiệm định kỳ, chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng...

Cần nghị định hay thông tư để quản?

Theo bác sĩ, Luật sư Phạm Hưng Củng, Việt Nam có môi trường đa dạng sinh học với 4.000 loài cây con làm thuốc, rất nhiều loài đặc hữu, cây thuốc bản địa quý chỉ Việt Nam mới có. Người Việt lại có kinh nghiệm và bí quyết sử dụng nhiều bài thuốc từ cây, con nơi mình sinh sống hàng nghìn năm nay… Đây là thế mạnh, nếu chính sách, cơ chế, quản lý thương mại đủ chặt chẽ, việc nghiên cứu, đưa vào sử dụng nhiều hơn thì Việt Nam có thể là cường quốc về TPCN. “TPCN bản chất là tốt, nhưng ở Việt Nam lại biến tướng thành đa cấp, bất chính. Việc hơn 90% các công ty đa cấp bán TPCN đã khiến TPCN bị vạ lây, trong khi thực ra TPCN đã được nghiên cứu để đảm bảo chất lượng, tính khoa học” – ông Củng nói.

Việc quản lý TPCN hiện mới chỉ có Thông tư 43/2012/TT-BYT với khá nhiều bất cập được chính các DN và NTD phản ánh. Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn cho rằng, cần thiết ban hành nghị định để quản lý TPCN. Nghị định cần phải đưa những chế tài xử phạt thật nặng cho các hành vi sai trái. “Cần ít nhất phải có 3 nghị định, nhưng hiện nay chưa có nghị định nào, do đó khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế thì Bộ không giải quyết được” – ông Huấn nêu quan điểm.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng cũng đồng tình cho rằng, rất cần có nghị định quy định cụ thể, vì đây là sản phẩm liên quan tới con người. Từ góc độ DN, nhiều ý kiến cho biết, Thông tư 43 của Bộ Y tế chưa bao quát được hết thị trường TPCN nên DN và NTD mong có sự tham gia của Bộ KH&CN để có một nghị định chung. "Qua đó cũng cho DN chúng tôi được tham gia vào góp ý kiến xây dựng để nghị định này sát với thực tiễn”- bà Lê Mai Linh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vision góp ý. Bên cạnh đó, TPCN cần quản lý theo chuỗi giá trị từ đầu vào, từ nguyên liệu theo chuẩn tới việc nghiên cứu, sản xuất, ghi nhãn, phân phối, quảng cáo và nên bổ sung tiêu chuẩn GLP (kiểm nghiệm sản phẩm tốt), GSP (bảo quản tốt) có lộ trình để các DN theo. Điều này sẽ giúp các DN lớn dần lên và lớn đến đâu sẽ chuẩn hóa tới đó để phát huy tiềm năng DN trong nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần