Bộ đang hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý hoạt động này hơn nữa trong thời gian tới.
Các vi phạm của TNNN được xác định có thể là vi phạm về địa vị pháp lý và hình thức hoạt động, phạm vi hoạt động thương mại, trách nhiệm thông báo - báo cáo, hoặc vi phạm pháp luật về hợp đồng... Đồng thời, các chủ thể TNNN vi phạm hành chính được xác định có thể là DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của TNNN, văn phòng đại diện của TNNN...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Pháp chế - Cục Quản lý thị trường cho rằng, trong khi các vi phạm thương mại của TNNN ngày càng gia tăng và phức tạp thì có một thực tế là trong nước chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động này. Do đó đã xảy ra những trường hợp lực lượng quản lý thị trường bắt giữ được tang vật vi phạm của TNNN nhưng không thể tống đạt được quyết định xử phạt do còn phải chờ đợi nhiều cấp, mất rất nhiều thời gian và khó quản lý chủ thể vi phạm. Đến lúc có quyết định xử phạt có khi TNNN đã về nước.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Thưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương cho biết: Các văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động của TNNN tại Việt Nam đến nay đã tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, Bộ đang gấp rút hoàn thiện xây dựng để ban hành Thông tư quy định chi tiết Nghị định 90/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu của TNNN không có hiện diện tại Việt Nam. Đây sẽ là "miếng ghép" cuối cùng để hoàn thiện khung pháp luật cơ bản của Việt Nam nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động TNNN. Vấn đề còn lại là T.Ư và các địa phương tổ chức quản lý và phối hợp với nhau như thế nào để các TNNN hoạt động tại Việt Nam đúng mục đích và quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các thương nhân làm ăn chân chính.