Quản lý tiền công đức: Có hiệu quả?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề quản lý tiền công đức như thế nào sẽ được xới lên trong hội nghị tổng kết công tác lễ hội 2012, do Bộ VHTT&DL tổ chức ngày 29/3 tới. Tại đây, các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu… sẽ góp ý kiến cho đề án quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự mà Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam xây dựng.

Từ hình ảnh phản cảm

Hơn 5 năm trở lại đây, hình ảnh quen thuộc tại các chùa, điểm di tích là hòm công đức đặt dày đặc, tiền "giọt dầu" rải khắp nơi. Hệ quả của việc thu hút lòng hảo tâm là cuộc đua dựng bia ghi công đức. Ví như tại khu đền Trình chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) có gần 20 tấm bia ghi danh sách khách thập phương phát tâm công đức. Mỗi tấm bia khắc vài chục cái tên và số tiền ủng hộ của nhà hảo tâm. Chùa Thiên Trù nối tiếp trong hành trình đi lễ chùa Hương cũng không thiếu những tấm bia như vậy. Trong khuôn viên có hạn của chùa Tây Phương, xen lẫn hàng chục pho tượng có giá trị bậc nhất Việt Nam là 3 tấm bia ghi công đức. Mỗi tấm bia đặt trên lưng một con rùa theo nguyên mẫu của bia tiến sĩ Văn Miếu. Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) cũng có cả dãy bia đá ghi tên người công đức vào đền… Sau nhiều lần đi thanh tra công tác tổ chức lễ hội, ông Trần Minh Chính, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở phải thốt lên: "Không thiếu những điểm còn để bát hương ở những tấm bia này. Người sống thắp hương cho người sống, thật là phản cảm".

Đến phương pháp quản lý phản tác dụng

Nhằm mục đích quản lý hiệu quả tiền công đức, tránh những hình ảnh phản cảm, cơ quan quản lý văn hóa đã áp dụng nhiều phương pháp. Trong khi chưa thống nhất được cách thức quản lý, rất nhiều địa phương đã tự đề ra cách quản lý theo kiểu "mạnh ai nấy làm", dẫn đến tình trạng lộn xộn, không thiếu cả những phương pháp phản tác dụng. Ví như tại Chùa Keo (Thái Bình), đền Và (Hà Nội), Ban Quản lý (cơ quan do phòng VHTT huyện lập ra) đã tiếp nhận, quản lý tiền công đức, thống nhất in một mẫu phiếu ghi công đức, có số series và tất cả số tiền công đức được đưa về Kho bạc huyện. Số tiền này được dùng chi cho các hoạt động sinh hoạt của sư sãi trong chùa, điện nước, trùng tu, tôn tạo chùa… Tuy nhiên, sư trụ trì chùa vẫn phát hành một loại phiếu ghi công đức khác song song với phiếu công đức của Ban Quản lý. Còn xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã nghĩ ra cách "khoán" cho đền thờ ông Hoàng Mười, phải hoàn thành định mức 900 triệu đồng tiền công đức trong năm 2012... "Hiện nay, mô hình quản lý di tích chưa thống nhất, vì vậy dẫn đến sự không thống nhất trong lợi ích, mỗi di tích lại có một cấp, hoặc nhiều cấp khác nhau cùng quản lý. Nơi do cơ quan Nhà nước quản lý (như UBND, Sở VHTT&DL…), nơi do người dân (Hội Người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, UB MTTQ…), nơi thì do cá nhân (sư trụ trì, thủ từ…). Thế nên, một số đền chùa có quá nhiều khay đựng tiền giọt dầu, hòm công đức. Có di tích cứ mỗi điểm lại có một vài bàn ghi công đức, bàn thì do nhà chùa đặt ra, bàn do Ban Quản lý đặt, không thu về một mối" - ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết.

Đề án quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự sẽ được xây dựng theo tiêu chí công khai, minh bạch, có hiệu quả. Và đặc biệt là quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, các hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, vì mục đích chung của cộng đồng và xã hội chứ không dùng cho mục đích kinh doanh. Nhưng phương án cụ thể thế nào chắc chắn Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam sẽ còn phải nghiên cứu, bàn bạc, lấy ý kiến của người dân và các chuyên gia. Và như vậy, hiệu quả của ý tưởng quản lý này như thế nào, có tránh được những chỗ "vấp" như các địa phương hiện nay, vẫn còn ở tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần