Quản lý trang tin điện tử tổng hợp như báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Qua kinh nghiệm của một số nước, như tại Thái Lan, và thực tế tại Việt Nam, trang tin điện tử tổng hợp phải được coi là một loại hình báo chí và phải quản lý nội dung như các tờ báo”, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức góp ý.

Ngày 10/3, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhằm thu thập ý kiến trước khi dự luật được Quốc hội bỏ phiếu thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIII tới đây. Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà chủ trì hội nghị.

Trang tin điện tử tổng hợp phải được coi là một loại hình báo chí 

Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản đồng tình với nội dung của dự thảo, đã hoàn thiện hơn so với các bản dự thảo góp ý trước đây. Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức đề nghị, trong dự thảo cần làm rõ loại hình và phạm vi của cổng thông tin điện tử. Theo quy định, trang tin điện tử không được đưa tin, nhưng có cổng thông tin điện tử vẫn đưa tin như các loại hình báo chí. Ngoài ra, dư luận nêu vấn đề, trang tin điện tử tổng hợp có được coi là loại hình báo chí hay không, có nên điều chỉnh trong Luật Báo chí hay không?
 hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)
Đóng góp vào Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), ông Nguyễn Minh Đức, TBT Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, trang tin điện tử tổng hợp phải được coi là một loại hình báo chí.
“Qua kinh nghiệm của một số nước, như tại Thái Lan, và thực tế tại Việt Nam, trang tin điện tử tổng hợp phải được coi là một loại hình báo chí và phải quản lý nội dung như các tờ báo. Có những trang tin tổng hợp thông tin nhanh hơn, hiệu ứng truyền thông lớn hơn báo điện tử, tại sao không coi đây là loại hình báo chí? Nhiều trang tin tổng hợp thực chất là biến tướng của báo điện tử. Có những trang tin điện tử mua bản quyền với một tờ báo điện tử, hoặc một tạp chí điện tử.

Mặc dù là phóng viên của trang tin điện tử, nhưng tin, bài lại xuất bản trước ở báo điện tử, dẫn nguồn về trang tin. Vì vậy, phải có chế tài và phạm vi quản lý đối với sự liên kết giữa các tờ báo điện tử và trang tin điện tử” - ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đồng tình với việc phải quản lý nội dung trang tin điện tử như báo chí. Theo bà Bùi Thúy Mơ - Phó tr
ưởng phòng Văn bản pháp quy (Sở Tư pháp), một trong những vấn đề đặt ra hiện nay, các thông tin có tính chất báo chí trên mạng xã hội có ảnh hưởng rất lớn tới dư luận. Thực tế cho thấy, có những vụ khủng hoảng truyền thông xuất phát từ sự lan tỏa của các thông tin qua mạng xã hội. Do vậy, Dự thảo Luật Báo chí cần có các quy định cụ thể về việc thiết lập mạng xã hội, không nên quy định “Việc thiết lập mạng xã hội thực hiện theo quy định của Chính phủ” như dự thảo.

“Hiệu trưởng lăng mạ phóng viên, xử lý thế nào?”

Việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí phải trở thành nguyên tắc bắt buộc đối với mọi cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có sự né tránh, thiếu hợp tác của một số cơ quan Nhà nước khi nhà báo liên hệ. Dù đã có những quy định, chế tài trong việc không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng chưa ai bị xử lý. 

Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô cho rằng, nhiều nhà báo gặp khó khăn trong tác nghiệp, lấy thông tin. “Cụ thể, mới đây, khi phóng viên liên hệ qua điện thoại, TS Đinh Ngọc Hiện - Hiệu trưởng Đại học Thành Tây đã lăng mạ, dọa nạt phóng viên, phải xử lý thế nào” - ông Nhuệ dẫn chứng.

Ông Nguyễn Minh Khánh - Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong Điều 9 của Dự thảo Luật quy định, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí là “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên…” nhưng chưa nêu rõ, nếu vi phạm thì tổ chức hay cá nhân sẽ bị xử lý theo điều khoản của Bộ luật nào? Hiện nay, những quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí được quy định tại Điều 7 và 9 của Nghị định 159/2013/NĐ-CP nhưng chưa đủ sức răn đe và trong thực tế chưa được nghiêm chỉnh chấp hành. Do đó, đề nghị có chế tài cụ thể xử phạt hành vi cản trở, hành hung nhà báo.

Theo luật sư Lê Đăng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội), trong Điều 9, về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, có tới 8/10 điều hạn chế dành cho nhà báo. Trong khi đó, nhiều nhà báo bị hành, gây khó dễ, không được chụp ảnh ở các phiên tòa, không được tham gia phỏng vấn lại chưa có cơ chế bảo vệ cụ thể.

Phó Trưởng
đoàn ĐB Quốc hội TP Chu Sơn Hà tiếp thu các ý kiến của các nhà báo, luật sư, nhà nghiên cứu. Ông cho rằng, phải có chế tài bảo vệ, khen thưởng các cơ quan báo chí, nhà báo có ảnh hưởng, thông tin tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm. Ngoài ra, phải có cơ chế biên tập thông tin chặt chẽ, có cơ chế quản lý, có chứng cứ để xử lý khi báo chí thông tin sai sự thật.
Cần có chức danh người đứng đầu
"Chúng tôi nhất trí với phương án quy định về các chức danh người đầu, Tổng Biên tập như quy định tại Điều 23, Điều 24 dự thảo. Cụ thể, người đứng đầu cơ quan báo chí là Tổng Giám đốc, Giám đốc thay vì chức danh Tổng Biên tập như Luật hiện hành vì trong thời gian tới, việc thực hiện quy hoạch báo chí, thu gọn đầu mối các cơ quan báo chí sẽ làm tăng số lượng cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Do vậy, cần có chức danh người đứng đầu để phụ trách chung hoặc có thể kiêm nhiệm Tổng Biên tập của một hoặc một số ấn phẩm của cơ quan báo. Việc Tổng biên tập vừa phải chịu trách nhiệm về nội dung, vừa làm công tác quản lý như quy định hiện hành sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ", bà Bùi Thúy Mơ, Phó Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội bày tỏ ý kiến.