Quản lý vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm dịp giáp Tết: Đến hẹn lại lo

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần, đây là thời điểm mà nhu cầu sử dụng các loại thịt gia súc, gia cầm (GSGC) tăng cao nên hoạt động vận chuyển, giết mổ trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Nhu cầu tăng
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, trung bình mỗi ngày người dân Thủ đô tiêu thụ hết khoảng 900 tấn thịt GSGC. Trong khi đó, lượng thịt GSGC được cung cấp từ các cơ sở giết mổ đã qua kiểm soát trên địa bàn TP khoảng 392 tấn/ngày, nguồn thịt nhập khẩu có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày. Như vậy, lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát chỉ khoảng 492 tấn/ngày, đáp ứng 55% nhu cầu tiêu thụ. Phần còn lại, được cung cấp bởi các điểm, hộ giết mổ thủ công, nhỏ lẻ chủ yếu nằm trong khu dân cư và nhập từ các tỉnh, TP khác. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm của người dân tăng cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Đây là thời điểm để thực phẩm kém chất lượng, giá rẻ tung ra thị trường.
 Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm thịt lợn tại siêu thị Auchan Hà Đông. Ảnh: Phương Nga
Trong khi đó, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định mà rải rác trong nhiều khu dân cư của các huyện, thị xã. Một số cơ sở giết mổ, nhất là gia cầm lại hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, VSATTP. Đa số các điểm, hộ giết mổ này đều không được chính quyền địa phương cấp phép hoạt động, không được cơ quan thú y vào kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

"Lực lượng thú y tại các chốt kiểm dịch trong thời điểm sắp tới sẽ được tăng cường cũng như có sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan nhằm kiểm soát tốt việc vận chuyển GSGC và các sản phẩm từ GSGC. Đối với những trường hợp vi phạm, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý." - Chi cục trưởng Chi cục

Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn

Bên cạnh đó, việc vận chuyển GSGC sau giết mổ cũng còn nhiều bất cập, nhất là đối với việc giết mổ lợn. Thực tế, lượng thịt lợn vận chuyển bằng xe chuyên dụng (xe lạnh có đảm bảo nhiệt độ) còn thấp, phần lớn lợn sau giết mổ bằng xe máy, không che chắn, không có thùng bảo quản chuyên dụng vận chuyển trên đường gây mất vệ sinh thú y và mỹ quan. Đặc biệt, cứ vào dịp giáp Tết là các điểm buôn bán gia cầm sống tự phát lại đua nhau mọc lên. Một số nơi còn giết mổ ngay tại nơi bán gây mất vệ sinh môi trường và VSATTP.

Ngoài ra, việc vận chuyển, buôn bán GSGC tăng cao cũng là nguyên nhân gây lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Để đảm bảo quản lý hoạt động vận chuyển, giết mổ GSGC trong dịp giáp Tết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP, vệ sinh thú y đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn TP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh GSGC trên địa bàn quản lý theo phân cấp. Song song với đó, chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ để bảo đảm sản phẩm thịt được an toàn đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng cán bộ thú y trực tại các lò mổ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán thịt GSGC tại quầy sạp các chợ tập trung nhằm bảo đảm vấn đề VSATTP cho người dân.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.