Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Mập mờ sử dụng quỹ bảo trì 2%
Bà Vũ Thị Nâm, nhà chung cư C10, Xuân La, quận Tây Hồ cho biết, mặc dù người dân đã chuyển về sinh sống tại tòa nhà được hơn 11 năm, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được Ban quản trị (BQT). Theo lý giải của bà Nâm, ngoài việc đơn vị quản lý, chính quyền địa phương chưa sâu sát, thì việc thiếu minh bạch trong việc sử dụng phí bảo trì 2% khiến quy định này gặp nhiều khó khăn. “Nếu bây giờ thành lập BQT thì người dân lấy đâu ra kinh phí để hoạt động. Do đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội phải thông báo cụ thể tình hình thu - chi của tòa nhà khi sử dụng quỹ bảo trì 2%” – bà Nâm đề nghị.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Tử Quang – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát triển nhà Hà Nội cho biết, từ khi đơn vị được bàn giao tiếp nhận lại quản lý 18 tòa nhà tái định cư, trong đó phần lớn các tòa đã hết quỹ bảo trì 2%. Để duy trì hoạt động của tòa nhà, từ lúc đơn vị tiếp nhận quản lý theo yêu cầu của TP, đơn vị đã phải bù lỗ hơn 20 tỷ đồng. Cụ thể theo ông Quang, hiện đơn vị vẫn đang thu phí dịch vụ là 30.000 đồng/hộ/ tháng, và 45.000 đồng/xe/tháng… nhưng mức thu này vẫn chỉ như muối bỏ bể với tổng chi để duy trì hoạt động của tòa nhà. Do đó, đề nghị các đơn vị chức năng cho phép đưa khoản chi này vào chi phí hoạt động kinh doanh của đơn vị. Đề cập đến việc thành lập BQT của các tòa nhà, người dân không muốn thành lập BQT và đưa ra yêu cầu nếu thành lập phải bố trí nguồn tiền để duy trì hoạt động. Chính lý do này khiến tiến độ thành lập BQT tại các tòa nhà tái định cư gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các tòa nhà đưa vào sử dụng từ trước năm 2013.
Trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý
Theo đánh giá của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nguyên nhân dẫn đến việc chậm thành lập các BQT tại các tòa nhà tái định cư ngoài việc người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc thành lập BQT, thì chủ yếu là sự thờ ơ, thiếu quyết liệt của đơn vị quản lý chung cư. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu – Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội nêu ví dụ, ngay tại tòa nhà tôi ở, cũng đã tiến hành họp Hội nghị cư dân nhưng phía Công ty nhà không cử đại diện xuống họp cùng. Như vậy, khi họp xong gửi kết quả lên cũng không hợp lệ. Chính việc thiếu trách nhiệm của đơn vị quản lý tòa nhà đã khiến tất cả những nỗ lực của chính quyền địa phương và dân cư để thành lập BQT bị bỏ xuống sông, xuống biển.
Đánh giá về công tác quản lý các tòa nhà tái định cư, ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, nếu làm cuộc khảo sát đánh giá về hiệu quả hoạt động Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội thì đơn vị này chắc sẽ không được cái “tích” nào ở phần hoàn thành nhiệm vụ. Nhận định này của ông Hiểu được nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đồng tình. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, việc quản lý và vận hành nhà tái định cư do 3 đơn vị đảm nhiệm. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý thì hoàn toàn khác nhau. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, đổ lỗi cho dân thì dễ, xác định trách nhiệm của chính mình mới là điều khó, các đơn vị cần thẳng thắn nhìn nhận. Cụ thể, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, đã đến lúc các đơn vị quản lý nhà chung cư cần rà soát lại công việc mình đang thực hiện, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật, các quy định của Nhà nước trong việc đảm bảo lợi ích của người dân. Bên cạnh đó, tất cả các bên liên quan cần phối hợp đẩy nhanh tiến độ thành lập các BQT. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân, bởi nếu người dân không thông tỏ thì mục tiêu nâng chất lượng nhà tái định cư sẽ khó được thực hiện.
Trong buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND TP Hà Nội tại các huyện Thường Tín, Phú Xuyên ngày 20/12. Nhiều cử tri kiến nghị TP xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường học; mở rộng đường Tỉnh lộ 429 và tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo trật tự an toàn giao thông; sớm tìm giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước dòng sông Nhuệ vốn dĩ đã, đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân huyện Phú Xuyên; tăng cường thêm tuyến xe buýt cho địa bàn huyện, nhất là tuyến qua địa bàn xã Phú Túc đi vào trung tâm TP và ngược lại; bổ sung hệ thống đèn chiếu sáng tại một số tuyến đường. Cử tri huyện Thường Tín kiến nghị cần sớm có chính sách đầu tư hệ thống nước sạch; rà soát tiêu chí chợ nông thôn cho phù hợp với tình hình từng địa phương, đầu tư xây dựng hệ thống điện, đường giao thông và cơ chế hạ điền ra các khu chuyển đổi chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường mầm non và xây dựng nhà văn hóa cụm dân cư số 6, 7 trên địa bàn xã… Liên quan đến khu vực bãi nổi với diện tích khoảng 185ha người dân đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, một số cử tri đề nghị cần bê tông hóa đường cấp phối đá răm và có hệ thống tưới nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến thời điểm này trên địa bàn TP có 173 tòa nhà tái định cư với 15.210 căn hộ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 23/173 tòa nhà chung cư được thành lập BQT. Trong tổng số 173 tòa nhà chung cư tái định cư đã đi vào hoạt động có 3 đơn vị quản lý gồm: Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (quản lý 147 tòa nhà); Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội (quản lý 18 tòa); Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở (quản lý 8 tòa). |