Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em gái vị thành niên trên khắp thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn so với trẻ em trai cùng trang lứa.

Quan tâm đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên - Ảnh 1Nhiều ý kiến cho rằng, đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là sự đầu tư đúng đắn mà cả gia đình và xã hội cùng được hưởng lợi.

Nhân ngày Dân số thế giới 11/7, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Thưa ông, vì sao Ngày Dân số thế giới (11/7) năm nay lại chọn chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên”?

- Trẻ em gái vị thành niên là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại ngày nay dễ đưa các em vào một thế giới thông tin hỗn loạn, các em dễ tiếp xúc với những luồng thông tin không chính thống nên hình thành kỹ năng sống và tâm sinh lý phức tạp hơn. Những năm trở lại đây, các em gái trong tuổi vị thành niên có xu hướng tiếp cận với tình dục sớm, sinh hoạt tình dục sớm hơn. Nhưng những kỹ năng để bảo vệ mình khỏi vấn nạn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn lại chưa được trang bị kỹ nên các em bị tổn thương rất nhiều, nhiều em đã tìm đến cái chết.

Cùng với đó, ở nhiều quốc gia và một số vùng ở miền núi Việt Nam, một số em gái khi đến tuổi dậy thì đã được gia đình và cộng đồng cho là đã sẵn sàng để kết hôn, mang thai và sinh con. Nhiều em bị ép phải kết hôn sớm và bỏ học, ảnh hưởng tới sức khỏe, tương lai. Vì những thực trạng trên, năm nay Quỹ Dân số Liên Hợp quốc đã quyết định lấy trẻ em gái vị thành niên làm chủ đề này với mong muốn tất cả các quốc gia sẽ có sự đầu tư đúng đắn nhất cho các em, vì một xã hội thịnh vượng, một tương lai tốt đẹp hơn.

Vậy việc đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với xã hội, thưa ông?

- Có thể khẳng định, đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên thì cả gia đình, xã hội và chính bản thân các em đều được hưởng lợi. Khi các em được cung cấp đầy đủ những kiến thức và kỹ năng sống thì các em có thể tự quyết định cuộc sống của mình, có thể tự bảo vệ mình trước những “cám dỗ” cuộc sống. Đối với những quốc gia và những vùng miền còn nghèo đói, đầu tư y tế và giáo dục cho các em gái vị thành niên sẽ giúp các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng và trở thành một nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng động và đất nước. Đặc biệt, khi các em được tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) thì sẽ không còn xảy ra tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết. Các em gái sẽ chỉ trở thành mẹ khi đã có đầy đủ kiến thức và kỹ năng sống của một người vợ, người mẹ. Những đứa trẻ sinh ra sau đó sẽ được dạy dỗ và đầu tư tốt hơn. Từ đó, chất lượng dân số của một quốc gia cũng sẽ được nâng lên.

CSSKSS là một phần trong trong kế hoạch đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên, vậy trong thời gian tới ngành dân số có kế hoạch gì trong việc hỗ trợ công tác này?

 - CSSKSS cho trẻ em gái vị thành niên là trách nhiệm trước hết của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể trong xã hội. Riêng ngành dân số chú trọng đến truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các em trong CSSKSS và KHHGĐ. Cụ thể, chúng tôi đang chú trọng đến giáo dục, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân để các em sau này lập gia đình sinh ra được những đứa con phát triển khỏe mạnh. Cùng với đó, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam đang hỗ trợ ngành dân số các chương trình tuyên truyền nhằm cải thiện việc tiếp cận các biện pháp tránh thai cho thanh niên chưa kết hôn, đặc biệt là những trẻ vị thành niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên chưa lập gia đình, những trẻ là người dân tộc thiểu số và những người đang sống ở các khu vực khó tiếp cận; đưa các chương trình giáo dục kĩ năng sống và các kiến thức về HIV cũng như CSSKSS tới trẻ vị thanh niên ngoài trường học trong các cơ sở dạy nghề.

Xin cảm ơn ông!