Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là đại biểu Đảng bộ huyện Ba Vì tham dự Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho rằng, nhiệm kỳ tới, TP cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ khu vực miền núi phát triển nhanh, bền vững, hòa nhập vào sự phát triển chung của Thủ đô. Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi thêm về vấn đề này.

Một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020 được Đảng bộ TP xác định là phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của khâu đột phá này?Quan tâm phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi - Ảnh 1

- Đây chính là khâu đột phá thứ nhất trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVI. Tôi cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như triển khai các quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm của TP, trong đó nhấn mạnh đến cả hạ tầng khu vực nông thôn và miền núi. Với khâu đột phá này, chắc chắn TP sẽ quan tâm đến huyện Ba Vì nói riêng và các huyện khó khăn khác, giúp các vùng nông thôn, các xã miền núi có điều kiện phát triển hạ tầng cũng như đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiến tới hòa nhập vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết vùng, tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa đang trở thành xu hướng quan trọng. Theo ông, thời gian tới cần có giải pháp gì để thúc đẩy xu hướng này ở ngoại thành?

- Việc phấn đấu đưa nông nghiệp thành sản xuất hàng hóa, có thương hiệu được TP cũng như huyện Ba Vì rất quan tâm thực hiện. Trong đó, giải pháp đầu tiên là tập trung dồn điền đổi thửa, tạo vùng chuyên canh sản xuất lớn. Rồi đến kêu gọi, thu hút các DN đầu tư phối hợp với nông dân, nhà quản lý, nhà khoa học. Nếu làm tốt được liên kết này thì trong thời gian tới, ngành nông nghiệp mới có đột phá.

Huyện Ba Vì đã có một số sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, song việc phát triển, mở rộng thương hiệu xem ra còn không ít gian nan?

- Thời gian qua, Ba Vì đã xây dựng được một số sản phẩm có thương hiệu truyền thống của địa phương như chè, khoai lang, bò sữa. Tuy nhiên, để củng cố, phát triển thương hiệu, chắc chắn huyện còn rất nhiều việc phải làm. Thứ nhất là phát triển, nâng cao chất lượng cũng như năng suất sản phẩm. Thứ hai, quản lý tốt thương hiệu, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu. Thứ ba, tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền, tiếp thị. Làm được như vậy thì các sản phẩm có thương hiệu mới có điều kiện phát triển bền vững.

Ngoài nông nghiệp, Ba Vì là địa phương có thế mạnh về du lịch của TP. Huyện đã phát huy thế mạnh này như thế nào?

- Ba Vì luôn xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện. Trong những năm qua, huyện đã làm nhiều việc như đẩy mạnh quy hoạch, kêu gọi đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng và yêu cầu thì còn phải phấn đấu rất nhiều. Đó là sản phẩm du lịch của huyện còn manh mún, chưa có khu du lịch trọng điểm, công tác tiếp thị còn hạn chế. Chính vì vậy, thời gian tới, Ba Vì sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch theo chỉ đạo của TP. Trên cơ sở đó triển khai kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng sẵn có của huyện, đặc biệt đầu tư khu du lịch trọng điểm Suối Hai. Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống đường sá để hỗ trợ du lịch phát triển. Thứ ba, kết nối, phối hợp với các công ty lữ hành để quảng bá, tổ chức các tour du lịch đến Ba Vì. Thứ tư, tăng cường xây dựng môi trường du lịch đẹp, thân thiện, có giá trị văn hóa cao.

Theo ông, trong nhiệm kỳ tới, TP cần có giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, kết nối được các tuyến du lịch ngoại thành với nội thành?

- Ngay sau khi Sở Du lịch Hà Nội được thành lập, huyện Ba Vì đã làm việc với lãnh đạo Sở một cách cụ thể trong việc định hướng khai thác phát triển du lịch của Ba Vì, nằm trong chương trình phát triển ngành du lịch chung của TP. Chính vì vậy, thời gian tới, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, chắc chắn Sở Du lịch sẽ có định hướng cho phát triển du lịch của TP, trong đó có khai thác thế mạnh của huyện Ba Vì về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh.

Riêng với khu vực miền núi, nhiệm kỳ qua, Thành ủy đã có Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 31/10/2011 về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2015”. Theo ông, trong nhiệm kỳ tới, TP có cần tiếp tục chương trình này?

- Thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác miền núi, dân tộc. Điều đó được thể hiện ở Nghị quyết 06 của Thành ủy, Kế hoạch 166 của UBND TP. Việc triển khai chương trình những năm qua cũng rất đồng bộ, hiệu quả, tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên ngân sách dành cho chương trình này còn hạn chế. Vì vậy, hy vọng rằng trong nhiệm kỳ tới, TP tiếp tục kéo dài Kế hoạch 166 và quan tâm hơn nữa tới phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi nói chung, huyện Ba Vì nói riêng để khu vực này phát triển nhanh và bền vững trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!