Đó là theo Tổng cục Du lịch Việt Nam tính chung 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến nước ta ước đạt khoảng 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước, gần bằng 80% so với cùng kỳ 2019.
Tổng số khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm đạt khoảng 64 triệu lượt. Lượng khách du lịch tăng mạnh nên đã đem đến nguồn thu cho ngành du lịch lên đến 343,1 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cũng trong 6 tháng qua, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 2,03 triệu lượt người, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa đạt 10,3 triệu lượt, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách du lịch tăng mạnh kéo theo tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,9 nghìn tỷ đồng, tăng 74,4% với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, những điểm sáng trên là kết quả nhiều nỗ lực của ngành du lịch, với sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương.
Điển hình là việc ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, thời hạn visa đã được kéo dài từ 30 lên 90 ngày, thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực cũng được nâng từ 15 lên 45 ngày.
Việc Quốc hội kéo dài thời gian visa đã tạo cơ hội cho ngành du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn và chi tiêu nhiều hơn, mở ra triển vọng hoàn thành vượt mức mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023.
Như vậy, có thể nói với quan điểm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất nhiều chủ trương, giải pháp, cả ở tầm vĩ mô và vi mô đã được đề ra và triển khai thực hiện. Trước mắt, những biện pháp đó đã tạo đà để ngành du lịch cả nước hướng tới mục tiêu đón 12 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2023.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy một thực tế là dù biện pháp nào, kế hoạch nào… cũng đều phải được thực hiện bởi con người. Mà không chỉ là những người trực tiếp làm du lịch. Có thể nói mà không sợ quá lời, để du khách, đặc biệt là du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn, lưu trú dài hơn, chi tiêu nhiều hơn… cần sự nỗ lực, vào cuộc của mọi người dân.
Thành công của du lịch Thái Lan, sự phát triển thần kỳ của du lịch Hàn Quốc hay vị thế vững chãi của du lịch Singapore suốt nhiều năm qua có thể xem là bài học về vấn đề này.
Chẳng hạn như du lịch Thái Lan không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên, sản phẩm du lịch đa dạng, ẩm thực phong phú… (những điều mà Việt Nam cũng có thế mạnh) mà còn bởi sự thân thiện của mỗi người dân mà họ tiếp xúc.
Đến Thái Lan, du khách có thể gặp những bác tài vô cùng nhiệt tình không ngại đóng vai hướng dẫn viên miễn phí, một ông chủ homestay sẵn lòng giúp du khách lên lịch trình tham quan, hay một chủ quán ăn hồ hởi mời khách những ly nước mát trong tiết trời quá nóng.
Tại những nhà hàng, khách sạn hay chợ đêm tại quốc gia này, du khách gần như không phải lo lắng về nạn chặt chém. Hầu hết người làm dịch vụ tại đây đều rất thân thiện, chuyên nghiệp dù có thể gặp phải rào cản ngôn ngữ. Đó là lý do khiến du khách quốc tế, trong đó có khách Việt Nam dù tới Thái Lan nhiều lần nhưng vẫn muốn quay lại.
Có một tín hiệu đáng mừng là gần đây, khi được hỏi lý do chọn Việt Nam, Hà Nội là điểm đến, nhiều du khách đề cập đến sự thân thiện, cởi mở của người dân.
Điều đó cũng là cơ sở để chúng ta thêm một lần khẳng định để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng nhất vẫn phải có những con người làm du lịch thân thiện, mến khách, chuyên nghiệp.