Quảng Ngãi: Mía ngọt cho cái kết “đắng”

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không có đầu ra, nông dân trồng mía ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đang lao đao vì mía đã quá kỳ thu hoạch vẫn không bán được. Nhiều hộ bị lỗ nặng, thậm chí phải cho không và bù tiền để có người dọn ruộng, lấy đất trồng cây khác. Cây mía ngọt bây giờ đã để lại kết “đắng” cho người nông dân.

 Nhiều người dân đã phải đốt mía để lấy ruộng trồng loại cây khác.
Đứng giữa đồng mía, bà Nguyễn Thị Xuân Việt (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) lắc đầu chua chát khi 5 sào mía của gia đình đã quá kỳ thu hoạch, chết khô dần. Để có đất trồng cây khác, bà đành cho không thương lái, thậm chí còn bù thêm công thu hoạch. Năm ngoái, bà Việt bán trọn gói cho thương lái được 1,5-2 triệu đồng/sào, nay cho không ai muốn lấy, bà phải ra tay phụ giúp đốn, róc hoặc bù thêm 500.000 đồng/sào tiền công họ mới chịu thu hoạch giúp. “Không cho thì lấy đất đâu mà làm, đốt thì sợ cháy lan sang hoa màu người khác không có tiền đền”, bà Việt xót xa.
Đang ôm các cây mía vừa đốt xong dưới chân ruộng bỏ lên bờ, ông Nguyễn Tấn Thành (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) cũng không nén được tiếng thở dài: “Năm nay, gia đình tôi trồng được 3 sào mía, với tổng chi phí hơn 5 triệu đồng, đó là chưa kể công lao động bỏ ra dọn cỏ, chăm sóc cho cây mía phát triển. Thế nhưng, sau một năm trồng mía đến thời kỳ thu hoạch thì giá mía lại quá thấp, giờ muốn bán mía cũng không có ai hỏi mua”.
Hiện hàng trăm hộ dân trồng mía đang đứng ngồi không yên, vì mía của người dân quá thời kỳ thu hoạch những vẫn chưa có người đến hỏi mua. Một số do chờ lâu đã đốt mía để chuyển đổi qua canh tác hoa màu khác. Không ít hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, lỗ nặng vì mía bán không có ai mua.
 Mía chất đống không ai hỏi mua.

Một thương lái mua mía ở TP Quảng Ngãi cho biết, những năm trước, giá mía thu mua tại ruộng từ 1-2 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, năm 2018, giá mía hạ xuống từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/tấn, trung bình mỗi sào mía nông dân cũng thu lãi được khoảng 4-5 triệu đồng/sào nên bà con vẫn tiếp tục trồng mía. Thế nhưng, năm 2019, giá mía bất ngờ xuống thấp, chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tấn”.
Theo thương lái này, có một số hộ nông dân “cho không” mía tại ruộng, nhưng dẫu vậy ông cũng không dám lấy vì sợ tiền bán mía chẳng đủ chi phí thuê nhân công đốn mía và thuê xe vận chuyển đến nhà máy bán.
Ông Thái Văn Hùng - Phó Chủ tịch HĐND xã Tịnh Hà cho biết: Xã Tịnh Hà có khoảng hơn 20 ha mía, trong đó tập trung chủ yếu ở hai thôn Thọ Lộc Đông và Thọ Lộc Tây. Hiện nay, nhiều ruộng mía của bà con địa phương đã quá kỳ thu hoạch nhưng bán không được nên bà con đã để mía khô héo ngoài đồng. “Chính quyền địa phương sẽ kiến nghị lên cấp trên có biện pháp giúp đỡ cho người dân sớm bán được hết mía”, ông Hùng nói.
Toàn huyện Sơn Tịnh hiện có khoảng 40-50 ha mía. Cây mía từng là cây trồng chủ lực của địa phương, người nông dân rất muốn giữ diện tích trồng mía, nhưng trước tình cảnh khó khăn như hiện nay, chắc chắn những người nông dân sẽ quay lưng lại với cây mía. Vùng nguyên liệu mía đang đứng được nguy cơ xóa sổ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần