Quảng Ngãi: Mới chỉ một doanh nghiệp có nhà ở xã hội cho công nhân

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quảng Ngãi hiện có 162 DN đang hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) với khoảng 44.000 lao động.

Trong năm 2019, các DN dự kiến tuyển thêm hơn 16.000 lao động, nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội nào cho công nhân được triển khai thực hiện.
Chỉ dừng lại ở quy hoạch
Theo ông Trần Quang Tòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ngãi, chính sách nhà ở cho công nhân tại Quảng Ngãi thực hiện rất kém. Tại KKT và các KCN hiện có khoảng 44.000 lao động làm việc tại 162 DN nhưng chỉ có khoảng 10% DN quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong khi đó, tỉnh vẫn chưa kêu gọi được dự án nào xây dựng nhà ở cho đối tượng này.
 Hiện chỉ có Doosan xây dựng nhà ở cho công nhân.
Ông Lương Kim Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay: “Qua làm việc với các DN, Sở đều đặt vấn đề và tìm hiểu các vấn đề có liên quan công nhân như thu nhập, nhà ở, quyền lợi. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có quy hoạch, chưa có dự án nhà ở xã hội cho công nhân nào được triển khai, dự án của Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai ở tỉnh từ năm 2017 cũng chỉ dừng ở việc xác định vị trí với diện tích trên 2ha”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phong - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho hay: "Đối với vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân, hiện nay dù trong hay ngoài KCN, KKT, chưa có đơn vị nào xây dựng nhà ở, chỉ Doosan xây dựng nhà ở cho chuyên gia và công nhân (giai đoạn 1). Đơn vị này cũng vừa được cấp phép giai đoạn 2 khoảng 8ha, thực hiện từ quý III/2019 đến quý IV/2022".
“Có 5,3ha dành riêng cho việc xây dựng nhà ở xã hội đã được bố trí cho KĐT, khu dân cư tại TP Quảng Ngãi nhưng từ 2010 đến giờ chưa có đơn vị nào đăng ký xây dựng”, Giám đốc sở Xây dựng thông tin.
Năm 2019, toàn tỉnh Quảng Ngãi có nhu cầu tuyển dụng hơn 16.000 lao động, nhiều nhất ở KKT Dung Quất, nhà máy Thép Hòa Phát, KCN VSIP. Cộng với số lượng lao động đang làm việc hiện có, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân đang trở nên rất bức thiết.
Công nhân đang làm việc tại một công ty trong KKT Dung Quất.
Qua tìm hiểu được biết, vài năm trở lại đây, tại các xã nằm trên địa bàn KKT Dung Quất, nhất là tại khu vực gần dự án Thép Hòa Phát, nhu cầu tìm thuê phòng trọ của công nhân khá lớn. Nhiều nơi ở chật chội, không đảm bảo vệ sinh và an toàn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong đợt khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về nhu cầu nhà ở của công nhân lao động tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi được tổ chức vào năm 2018 cho thấy: Đoàn viên, công nhân lao động đều mong muốn sớm triển khai dự án nhà ở xã hội để công nhân có cơ hội được mua và ở trong ngôi nhà giá rẻ nhưng đảm bảo chất lượng. Đồng thời, mong muốn các cấp, các ngành và chủ DN quan tâm nhiều hơn đến đời sống, việc làm của người lao động.
Cần giải pháp tháo gỡ
Ông Nguyễn Phong - Giám đốc sở Xây dựng cho rằng, LĐLĐ tỉnh Quảng Ngãi nên phối hợp Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh để tham mưu UBND tỉnh xây dựng nhà ở ngay trong KCN, hoặc tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí giải phóng mặt bằng, kêu gọi các chủ thể, các DN xây dựng nhà ở cho công nhân của mình. “Nếu chờ nhà đầu tư xây dựng nhưng nhà đầu tư thấy loại hình này không có lợi thì sẽ vẫn không triển khai, công nhân vẫn tiếp tục ở tạm và thuê chỗ ở tạm”, ông Phong nói.
“Để thực hiện tốt chính sách nhà ở xã hội cho công nhân, các đơn vị có liên quan cần phối hợp để kêu gọi đầu tư. Khi các chủ thể đầu tư vào KCN, KKT thì động viên họ bỏ phần vốn để xây dựng nhà ở cho công nhân. Đối với dự án của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh cần phối hợp để triển khai thực hiện trên phần diện tích đã được bố trí”, Giám đốc sở Xây dựng bày tỏ.
 KCN VSIP và nhiều KCN khác trong tỉnh vẫn chưa có nhà ở cho công nhân.
Theo bà Bùi Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, các đơn vị có liên quan như Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN, LĐLĐ tỉnh cần phối hợp để triển khai thực hiện chương trình nhà ở xã hội cho công nhân dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
“Không có tham vọng tất cả KKT, KCN phải có nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa, nhưng trong một chừng mực nào đó phải có để người lao động, công nhân được sinh hoạt trong điều kiện tối thiểu của mình. Chúng ta có thể nghiên cứu học tập, rút kinh nghiệm tại các KCN tại những địa phương khác để áp dụng vào thực tiễn”.
Trong diễn biến có liên quan, vào cuối tháng 7/2019, Tập đoàn AEON (Nhật Bản) do ông Han Aung - Tổng giám đốc chi nhánh của Tập đoàn tại Myanmar làm trưởng đoàn, đến khảo sát và nghiên cứu đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.
Ông Lê Hàn Phong - Phó Trưởng Ban quản lý cho biết: Đây là lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Những dự án về nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động mà còn từng bước hình thành KKT, KCN hiện đại, văn minh, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn. Ban quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn khảo sát và nghiên cứu đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần