Quảng Trị: Địa phương nghèo nhất thoát danh sách huyện "trắng" xã nông thôn mới

Tiến Nhất
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị báo cáo với đoàn công tác Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Trị vào ngày 10/12.

Nhiều xã rớt tiêu chí NTM vì mưa lũ
Báo cáo với đoàn công tác, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Đến hết năm 2020, tỉnh Quảng Trị sẽ có 57 - 58/101 xã đạt chuẩn NTM, trong đó đáng chú ý có 1 xã Triệu Nguyên ở huyện Đakrông là huyện “trắng” xã NTM đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đã được Hội đồng thẩm định NTM của tỉnh vừa công nhận. Từ đó, tỉnh đạt mục tiêu không còn huyện không có xã đạt chuẩn NTM do tỉnh, trung ương đề ra.
Đakrông là huyện nghèo thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, có 9/13 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn, đây cũng là địa phương duy nhất của tỉnh những năm qua chưa có xã đạt chuẩn NTM.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đoàn công tác kiểm tra việc xây dựng NTM tại Quảng Trị.
Tổng nguồn lực xây dựng NTM tại Quảng Trị đến thời điểm hiện tại hơn 6.300 tỷ đồng. Địa phương đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 có thêm 5 - 6 xã đạt chuẩn NTM, có từ 4 - 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 - 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...
Tuy nhiên, đợt mưa lũ lịch sử vừa qua đã khiến 9 xã thuộc huyện miền núi Hướng Hóa bị rớt tiêu chí NTM (14 tiêu chí rớt chuẩn), trong đó tập trung vào các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, trường học, điện, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư. Thu nhập, đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
3 bài học trong xây dựng NTM tại Quảng Trị
Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, để đạt được những kết quả về xây dựng NTM, địa phương rút được 3 bài học chính: Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhận đỡ đầu những xã khó khăn, tiếp tục rà từng tiêu chí những xã về đích; phải đi từ cơ sở lên, lấy mô hình nhân rộng mô hình bắt đầu từ các hộ gia đình; huy động và sử dụng nguồn lực một cách hài hòa, không bố trí dàn trải mà phải đúng trọng tâm, trọng điểm.
Ngoài ra, tỉnh cũng xác định tiêu chí quan trọng nhất đó là thu nhập bình quân đầu người, bởi đời sống của người dân được nâng cao là tiền đề hoàn thiện và phát huy các tiêu chí đã và chưa đạt trong xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng báo cáo kết quả xây dựng NTM với đoàn công tác trung ương.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trưởng đoàn công tác đánh giá cao kết quả xây dựng NTM tại Quảng Trị, đi lên với xuất phát điểm thấp là tỉnh nghèo, chịu sự tàn phá của thiên tai, đặc biệt trong thời gian gần đây là chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mưa lũ gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng nhưng địa phương vẫn hoàn thành các mục tiêu về xây dựng NTM.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý: Chương trình xây dựng NTM là “một cuộc vận động” chứ không phải chương trình đầu tư. Không nên coi “đạt chuẩn” là hoàn thành bởi xây dựng NTM có điểm mở đầu nhưng không có điểm kết thúc. Quá trình xây dựng NTM phải luôn gắn liền với đổi mới, tổ chức lại mô hình sản xuất, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân; Đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp...
Địa phương cũng cần phải xác định rõ khó khăn trong xây dựng và giữ chuẩn các tiêu chí NTM qua từng gian đoạn để có các biện pháp tập trung tháo gỡ một cách phù hợp, đảm bảo mục tiêu lấy sự hài lòng của người dân là thước đo kết quả xây dựng NTM...
Với các kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác sẽ tổng hợp, tiếp thu và báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG Xây dựng NTM để có phương án hỗ trợ trong thời gian tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần