Quảng Trị: Sạt lở đe dọa đời sống người dân ở Hướng Hóa

Minh Tân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau mùa mưa bão năm 2020 và qua đợt mưa bão vào tháng 9/2021, tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sạt lở đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Mùa mưa bão đang đến gần, nỗi lo sạt lở đe dọa đến diện tích hoa màu, tài sản và tính mạng của người dân nơi đây lại tiếp diễn.

Nhiều ruộng lúa bị vùi lấp
Cánh đồng phía đầu thôn Húc Thượng (xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trở nên gần như bình địa bởi hàng nghìn khối đất, đá từ núi cao đổ xuống vùi lấp. Chỉ còn vài bờ ruộng còn sót lại hay những thân lúa ngập một nửa trong đất.
Chỉ tay về hồ cá giờ đã bằng phẳng, ông Hồ Văn Chưn (thôn Húc Thượng) cho biết: Đợt mưa lũ cuối năm 2020, đất, đá từ trên núi cao đổ xuống vùi lấp toàn bộ phần diện tích ruộng và hồ cá của gia đình.
“Hồ cá bị vùi lấp toàn bộ nên mình trồng lúa để còn có cái ăn. Sợ bị vùi lấp, mình nói mấy đứa con, cháu lấy bao cát che chắn lại. Thế nhưng, đợt mưa bão giữa tháng 9 vừa qua, đất, đá tiếp tục đổ xuống vùi lấp lúa của gia đình. Năm nay đói rồi chú ơi!”, ông Chưn than thở.
Ruộng lúa bị vùi lấp của ông Hồ Văn Chưn (thôn Húc Thượng) dù đã tìm mọi cách che chắn.

Không chỉ hộ ông Chưn, cánh đồng đầu thôn của nhiều hộ dân khác giờ đã trở thành bãi đất, đá trải rộng. Con suối nhỏ chảy trước kia cũng đã đổi dòng.
Người dân cho biết, sau sạt lở cuối năm 2020, phần ruộng bị vùi lấp được cải tạo lại để trồng lúa. Thế nhưng, đợt mưa bão giữa tháng 9 vừa qua, đất, đá từ bãi thải của các dự án điện gió tiếp tục vùi lấp ruộng của người dân.
Bờ ruộng còn sót lại bên ruộng lúa đã bị vùi sâu dưới đất, đá.
Dẫn chúng tôi men theo con đường vào ruộng lúa, anh Hồ Văn Luân (thôn Húc Thượng) bần thần: Mình mới gửi đơn lên UBND xã Húc, chứ hơn 2.000m2 ruộng của gia đình coi như xóa sổ. Chúng tôi chưa thu hoạch được gì thì đất, đá trôi xuống, làm lúa bị vùi lấp, hư hỏng hoàn toàn.
 Một bãi thải của Công ty điện gió Tài Tâm sạt trượt xuống khe, suối đổ về ruộng của người dân ở xã Húc Thượng.
Nằm dưới chân một bãi thải của Công ty điện gió Tài Tâm, mảnh ruộng của gia đình anh Luân bị vùi sâu dưới lớp đất đá. Ruộng lúa với 2 vụ là nguồn cung cấp lương thực cả năm cho 8 miệng ăn trong gia đình giờ đã xóa sổ khiến người đàn ông này lo lắng hơn bao giờ hết.
Anh Hồ Văn Luân bên ruộng lúa của gia đình bị vùi lấp nghiêm trọng.

Cách đó không xa, những mảnh ruộng của người dân của thôn Ván Ri dọc theo suối từ đồi Ta Núc đổ về cũng bị vùi lấp nghiêm trọng. Mưa lớn đã cuốn đất, cát từ bãi thải của Công ty điện gió Hoàng Hải vùi lấp ruộng của người dân dọc theo con suối nhỏ cũng như hư hại hệ thống thủy lợi phía bên dưới.

Khu vực tích nước của hệ thống thủy lợi cũng bị vùi sâu dưới hơn 1m đất, cát. Ống dẫn nước bị lấp khiến việc dẫn nước không thể sử dụng. Người dân đành phải mang dụng cụ lên đào, bới, khơi thông nhưng cũng chỉ giải pháp tạm thời.
Ông Hồ Văn Ka Rai, Chủ tịch UBND xã Húc cho biết: Trong đợt mưa bão giữa tháng 9 vừa qua, trên địa bàn có xảy ra trường hợp mưa lớn khiến bãi thải của một số công ty điện gió chảy xuống vùi lấp ruộng lúa, diện tích đất sản xuất của người dân. UBND xã cũng đã tiếp nhận đơn thư, ý kiến của người dân về tình trạng trên.
“Chúng tôi đang cho cán bộ đi kiểm tra tận từng thôn về diện tích đất sản xuất bị thiệt hại của người dân. Đồng thời, xã cũng vận động người dân chờ qua hết thời điểm 15/10/2021 để thống kê cụ thể một lần, bởi đây cũng là đỉnh điểm mưa lũ trên địa bàn”, ông Ka Rai cho biết thêm.
Nỗi lo thiên tai và nhân tai
Sạt lở cùng lũ ống, lũ quét trở thành nỗi lo hiện hữu của người dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Bởi, đợt mưa lũ lịch sử vào tháng 10/2020 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đến giờ vẫn chưa thể khắc phục tại địa phương này.
Những cơn mưa lớn đã gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cướp đi tính mạng của nhiều người. Hàng trăm héc ta hoa màu, đất sản xuất của người dân bị vùi lấp nghiêm trọng. Ước tổng giá trị thiệt hại trên 700 tỷ đồng.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Hướng Hóa (trước thời điểm bão số 9/2021) có gần 300ha đất sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp. Trong đó, có gần 120ha bị vùi lấp không thể trồng trọt.
 Đất, cát từ bãi thải vùi lấp hệ thống tưới tiêu tại địa bàn xã Húc.

Ngoài việc ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, việc thi công của các dự án điện gió đã khiến đất, đá theo dòng chảy cuốn xuống lấp diện tích đất sản xuất của người dân.
Trong khi đó, theo đánh giá của các cơ quan chức năng tại các bãi thải của dự án điện gió có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy dễ gây ra tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ngoài dự kiến.
Mà hậu quả là đợt mưa lũ tháng 9/2021 vừa qua đã khiến nhiều diện tích đất sản xuất, công trình thủy lợi, giao thông bị vùi lấp, hư hỏng.
Theo ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, việc một số chủ đầu tư dự án điện gió vừa thi công vừa xử lý các bãi thải nên một phần đất đá trôi xuống vùi lấp diện tích đất sản xuất của người dân.
“Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, thống kê và yêu cầu các chủ dự án sớm khắc phục, hỗ trợ cho bà con bị ảnh hưởng”, ông Thuận nói.
 Sạt lở khiến đất cát tràn vào sân của nhà người dân.

Đối với nguy cơ tại các bãi thải, mái taluy chưa được gia cố của các dựa án điện gió, ông Lê Quang Thuận cho biết thêm: Huyện đã đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm phương án ứng phó thiên tai, sạt lở đất. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra quá trình thi công dự án điện gió, trong đó, quan tâm đến vấn đề sạt lở đất tại các khu vực bãi thải, tuyến đường vận chuyển, tuyến đường công vụ...
Tuy nhiên, với hàng nghìn m3 đất, đá chực chờ trên cao ở các mái taluy, bãi thải của các dự án điện gió nếu không được xử lý tốt sẽ là mối nguy hại khôn lường. Bởi, sạt lở không chỉ đe dọa đến tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận mà nguy cơ bồi lấp đất sản xuất của người dân, hư hỏng các công trình vẫn chực chờ nơi đây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần