Mục tiêu cụ thể được đặt ra là giải quyết yêu cầu bức thiết về thoát nước mưa và thu gom xử lý nước thải.
Phân vùng thoát nước
Theo bản qui hoạch mới này, thoát nước cho Hà Nội được chia thành 3 vùng: Tả Đuống, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Trong đó, xác định rõ 3 vùng cần thoát nước là khu trung tâm, các đô thị vệ tinh và khu vực ven đô. Hiện tại, hầu hết các khu vực của thành phố tiêu thoát nước ra bên ngoài phụ thuộc vào hướng thoát nước của hệ thống thủy lợi (riêng khu vực nội thành có hệ thống thoát nước đô thị chủ động). Nhiều khu vực trước đây nước tự chảy, tuy nhiên đến nay, khả năng này đã hạn chế rất nhiều, khi gặp mưa lớn các sông Tích, Đáy, Nhuệ… không đảm bảo khả năng thoát nước. Còn khu vực nội thành cũng không khá hơn, bởi tất cả đều được thoát qua trạm bơm cưỡng bức Yên Sở để ra sông Hồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam (đơn vị được giao lập qui hoạch) cho biết, qui hoạch thoát nước sẽ tập trung qui hoạch phân vùng thoát nước, trong đó, đề cập rõ hướng thoát. Cụ thể, Sông Tích - Thanh Hà, sông Cà Lồ thoát như hiện trạng; sông Nhuệ được phân vùng thoát nước 41.535ha, sông Hồng 19.175ha, sông Đáy 36.820ha, sông Ngũ Huyện Khê giảm 6.495 chuyển sang thoát ra sông Hồng. Để bảo đảm thoát nước qui hoạch đã đề ra trình tự ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước. Theo đó, từ nay đến năm 2030 sẽ lần lượt ưu tiên xây dựng hệ thống thoát nước trên các vùng, lưu vực sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy khu vực Bắc Hà Nội. Trong đó xây dựng hàng loạt các trạm bơm cưỡng bức tại Yên Nghĩa, Sơn Tây, Văn Khê (Mê Linh), Vĩnh Thanh (Gia Lâm)… đồng thời cải tạo, nạo vét các tuyến sông. Đối với khu đô thị trung tâm, tập trung triển khai và hoàn thành sớm Dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2.
Về thu gom, xử lý nước thải, theo tính toán đến 2020, lượng nước thải lên đến 1.014.000m3/ngày, đêm và đến năm 2030: 1.380.000m3/ngày, đêm và phấn đấu thu gom xử lý 90% nước thải, đến năm 2030 đạt 100%.
Nhiều điểm cần tiếp tục làm rõ
Đóng góp cho Dự thảo qui hoạch thoát nước, đại diện Viện Qui hoạch Hà Nội cho rằng, việc phân vùng thoát nước về cơ bản đã phù hợp với Qui hoạch chung Thủ đô. Tuy nhiên, phải làm rõ việc thoát nước cho khu vực thành thị và nông thôn cụ thể hơn. Bởi qui hoạch này vẫn còn sự chồng lấn. Bên cạnh đó, cũng phải đề cập rõ hiện trạng hệ thống thoát nước, vùng úng ngập, số liệu quan trắc lượng mưa trong những năm qua cũng như tình hình triển khai các dự án thoát nước. Hệ thống kênh, cống thoát nước chưa rõ, từ đó không rõ được cao độ mực nước các tuyến sông. Đặc biệt cần phải chú ý ưu tiên triển khai xây dựng các công trình thoát nước nào trước, sau để giảm dần tình trạng úng ngập. Đại diện Sở NN&PTNT cho rằng, về cơ bản, hiện qui hoạch hệ thống thủy lợi đang được triển khai và đã giải quyết nhu cầu tiêu thoát nước nông nghiệp, do đó qui hoạch này cần tập trung vào thoát nước đô thị nhất là phải xây dựng qui hoạch thoát nước cho các đô thị vệ tinh và cụ thể hơn vấn đề thu gom, xử lý nước thải. Khi lập qui hoạch cũng phải tính đến những trận mưa có cường độ như năm 2008 (hơn 300mm) để tính toán thoát nước.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP, đồ án qui hoạch thoát nước nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển thoát nước Thủ đô. Đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực thoát nước, cũng như làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước hiện có.