Quốc hội chất vấn sáng 1/11: Tranh luận gay gắt liên quan đến những con số về ngành công an

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Ngày chất vấn cuối cùng, có 53 đại biểu đăng ký chất vấn các "Tư lệnh" ngành.
 
Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về việc giải pháp xử lý, ngăn chặn các đối tượng xúc phạm tổ chức, cá nhân, trên mạng internet, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ TT&TT xử lý một số vụ việc, đối tượng, song vẫn chưa ngăn chặn được.
Vì nhiều thông tin trên mạng là nặc danh, khó khăn do không gian mạng mang tính xuyên quốc gia, luật pháp chưa hoàn thiện... 
 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo Bộ trưởng, sở dĩ như vậy vì nhiều thông tin trên mạng là nặc danh; việc ngăn chặn thông tin xấu độc còn gặp khó khăn do không gian mạng mang tính xuyên quốc gia; mặt khác luật pháp của chúng ta về lĩnh vực này cũng chưa hoàn thiện...

Do vậy thời gian tới, trước hết, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý thông tin trên không gian mạng;...

Đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức, kỹ năng tiếp cận thông tin mạng; có các giải pháp để ngăn chặn các trạng mạng xấu độc; thu thập tài liệu, chứng cứ các đối tượng xuyên tạc, vu khống, xúc phạm tổ chức cá nhân trên không gian mạng để đấu tranh...

Nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh để xoá sim rác

Tiếp tục trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thanh Hồng về "vấn nạn sim rác kéo dài", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, sim rác là khái niệm chưa được định nghĩa trong văn bản pháp luật. Đây là từ thường dùng để chỉ sim không có thông tin chính xác về người dùng và không tìm ra người dùng. Sim rác tồn tại dưới 2 dạng, kích hoạt sẵn tồn tại trên kênh phân phối, có thể mua dễ dàng và sim đã đến tay người dùng.

"Hôm qua tôi nói giải pháp căn cơ là người dùng sim phải chính danh, đăng ký đầy đủ thông tin, mà cái gốc là cơ sở dữ liệu căn cước công dân có số chứng minh, ảnh, vân tay để khi đăng ký chính xác đúng người, đúng sim. Nhưng khi chưa có cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Bộ TT&TT đã thực hiện một số giải pháp để thu hồi sim rác", Tư lệnh ngành TT&TT nói.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng 

Theo ông, từ cuối năm 2016, các nhà mạng đã tiến hành thu hồi sim rác kích hoạt sẵn. Từ tháng 7/2017 đến nay đã thu hồi được 24 triệu sim, trong đó 50% thuộc về nhà mạng lớn nhất là Viettel. Thứ 2 là tổ chức đăng ký lại thông tin thuê bao, từ 7/2017 các nhà mạng tổ chức đăng ký lại trong đó có chụp ảnh, những thuê bao chưa đủ thông tin mà không đăng ký lại thì kiên quyết cắt dịch vụ.

"Sắp tới sim mới phải đăng ký đầy đủ thông tin, gồm cả chụp ảnh, các nhà mạng không đưa ra thị trường sim giá rẻ để người dùng sim thay thẻ điện thoại. Bộ cũng đang nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh thực với ảnh chứng minh thư. Bộ giao tập đoàn VNPT phát triển công nghệ này, dự kiến quý 2/2019 xong", Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, công nghệ này không chỉ giúp đăng ký sim mà còn xác thực nhiều loại thẻ và dịch vụ khác.

Tân Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, làm được các việc trên trong khi chờ giải pháp căn cơ là xây dựng dữ liệu căn cước công dân thì sẽ giải quyết được đáng kể vấn đề sim rác.

Xử lý nghiêm các vụ “chạy án” bằng bệnh án tâm thần

Bộ trưởng Bô Y tế đã đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng "chạy án" bằng bệnh án tâm thần giả.

Theo đó, việc khám bệnh tâm thần thực hiện theo 2 tuyến. Tuyến 1 là các bệnh viện giám định bệnh lý tâm thần cho người dân nói chung.

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Thực hiện đổi mới tư pháp sẽ thành lập các Trung tâm giám định pháp y vùng và cần có sự tham gia của ngành công an.Tuyến 2 là công tác giám định pháp y, có sự tham gia của ngành công an để giám định bệnh tâm thần cho các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật cần giám định tâm thần.

Ngay sau khi  Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng. Đề nghị xử lý nghiêm các vụ án hình sự có hành vi chạy án bằng bệnh án tâm thần. Bộ Công an cần phối hợp cùng Bộ Y tế để giải quyết tình trạng này. Người dân, dư luận rất bức xúc khi có những đối tượng vi phạm pháp luật đã trốn tránh trách nhiệm hình sự bằng các bệnh án tâm thần giả.

Tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Đình Cúc giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng các giải pháp như, ban hành 10 thông tư để chỉ đạo tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh an toàn, tiêu chuẩn cơ sở QR-code trong thanh toán tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 8 năm nay, số máy POS đã tăng hơn 23% so với cuối năm 2016. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng được đảm bảo an toàn, số lượng và giá trị giao dịch 8 tháng đầu năm đã tăng tương ứng 28% và 30% so với cùng kỳ 2017.

Thống đốc cho biết, các giao dịch thực hiện qua các phương thức thanh toán mới đã tăng trưởng mạnh. Cụ thể 8 tháng đầu năm thanh toán qua Internet tăng 48% về số lượng và 27,7% về giá trị so với 2017; thanh toán qua điện thoại di động cũng tăng mạnh. Trong khu vực công, thanh toán không dùng tiền mặt được mở rộng.

Đến cuối tháng 8/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã kết nối với hệ thống nộp thuế tại 63 kho bạc tỉnh thành phố. NHNN  cũng đẩy mạnh truyền thông, vừa qua đã kết hợp với VTV thực hiện chương trình Tiền khéo tiền khôn để tuyên truyền người dân đẩy mạnh sử dụng hình thức thanh toán tiên tiến này.

Thiết kế lại sách giáo khoa theo hướng mới

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) về vấn đề lãng phí sách giáo khoa, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận tình trạng lãng phí sách giáo khoa là có thật.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, trước hết do thiết kế sách giáo khoa hiện hành có nhiều bài tập khiến học sinh viết, vẽ trực tiếp vào sách dẫn đến không sử dụng được nhiều lần, gây lãng phí. Mặc dù việc thiết kế này mang tính chuyên môn, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế nhưng trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo, việc này chưa phù hợp và gây lãng phí.

 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các giải pháp nhằm hạn chế lãng phí. Một số sách giáo khoa đã có hướng dẫn thầy cô không cho học sinh viết vào sách mà ghi vào vở. Bộ cũng tổ chức tập huấn giáo viên, hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa bền lâu. Tuy nhiên, kết quả của những giải pháp này còn hạn chế. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm về vấn đề này.

Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và cử tri và dư luận, Bộ đã tiếp thu, ban hành chỉ thị 3798 chỉ đạo các cơ sở giáo dục để sử dụng tiết kiệm sách giáo khoa hợp lý và hướng dẫn học sinh biết giữ gìn sách giáo khoa.

Bộ trưởng cho biết, tới đây, khi biên soạn sách giáo khoa mới, Bộ yêu cầu các nhà xuất bản thiết kế theo hướng hạn chế việc viết, vẽ trực tiếp vào sách. Bộ cũng đề nghị các trường phát động phong trào giữ gìn sách giáo khoa, đặc biệt giải pháp quyên góp, xây dựng thư viện sách giáo khoa để học sinh được sử dụng miễn phí, hỗ trợ vùng khó khăn. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước.

Tranh luận gay gắt liên quan đến những con số về ngành công an

Cụ thể vào sáng qua (31/10), khi trao đổi với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho biết rất ủng hộ "cuộc cách mạng" về sắp xếp lại Tổng cục, Cục trong ngành công an vừa qua. Tuy nhiên, qua báo cáo, ĐB Lưu Bình Nhưỡng thấy "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp, cụ thể: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho viện kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%".

Tranh luận lại ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ: “Từ hôm qua đến giờ, tôi liên tục nhận được điện thoại và tin nhắn của các cán bộ trong lực lượng công an của tỉnh Nghệ An cũng như các nơi khác quan tâm đến phát biểu của ĐB Nhưỡng".

 ĐB Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

"Tôi khẳng định tất cả số liệu này không đúng, không chính xác, đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu nói rõ nếu không cán bộ trong lực lượng công an rất phân tâm", ông Cầu nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu thông tin, theo báo cáo của Viện kiểm sát thì số tin báo tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố không thụ lý theo quy định của pháp luật là 87 trong số hơn 120.000 tin, số tin báo giải quyết quá hạn là 3.368 trong số hơn 120.000 tin (khoảng 2,8%).

Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An: "Còn nếu 100% không gửi các quyết định cho Viện kiểm sát, tôi nghĩ VKS giám sát thế nào với hoạt động của cơ quan điều tra?”.

Ngay sau đóm, ĐB Lưu Bình Nhưỡng cảm ơn ĐB Nguyễn Hữu Cầu đã cho ông cơ hội phát biểu vì rất băn khoăn không biết hôm nay phát biểu vấn đề này như thế nào. Giơ cuốn tài liệu có bìa màu vàng lên, ĐB Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Tôi đã phải ngồi tính toán chi li từng số %".

 ĐB Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục giơ biển xin tranh luận, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị với việc cụ thể này hai ĐB nên gặp nhau trao đổi để không mất thì giờ các ĐB và các vấn đề khác đang chờ được chất vấn.

Sau giờ giải lao, tiếp tục phát biểu trên nghị trường, ĐB Nguyễn Hữu Cầu cho biết, ông đã gặp ĐB Lưu Bình Nhưỡng để tìm hiểu về số liệu. Đồng thời đại biểu Cầu cũng lên Cổng thông tin Quốc hội để chụp lại phát biểu của ĐB Nhưỡng.

"Con số mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng đưa ra trong bài phát biểu của mình không có trong phụ lục mà tôi và đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã tìm", Đại tá Cầu nói.

ĐB Cầu cho rằng, ĐB Nhưỡng đưa ra con số dựa trên tính toán của mình. Đại tá Cầu nhận định phương pháp tính của ĐB Nhưỡng là trong 120.142 đơn mà cơ quan tố tụng thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý, trong 87 đơn này thì có 82 cơ quan công an chưa thụ lý. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%...

ĐB Cầu nhấn mạnh: "Tôi thấy rằng, với cách tính toán như thế này thì toàn bộ số liệu không phải số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát".

Do đó, ĐB Cầu bác lại thông tin của ĐB Nhưỡng. “Thứ nhất, toàn bộ số liệu không phải là số liệu công bố chính thức của Viện Kiểm sát. Thứ hai, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nhầm lẫn trong tính toán, tức là phải lấy 87 chia cho 120.142 mới ra tỷ lệ đúng”, ĐB Cầu nói.

ĐB Cầu nhấn mạnh thêm: “Đại biểu Nhưỡng đưa ra con số so sánh giữa các cơ quan tố tụng thì trong đó, công an sai phạm nhiều nhất. Với những tính toán như vậy, trong bài phát biểu, đại biểu Nhưỡng nói là kinh khủng, sai rất nghiêm trọng và đề nghị Bộ trưởng xử lý. Thế thì cử tri hiểu sai mất rồi!”.

Trong phần phát biểu của ĐB Nguyễn Hữu Cầu, ĐB Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận, nhưng không được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chấp thuận, với lý do mỗi ĐB chỉ được tranh luận hai lần.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có đề nghị hai ĐB gặp gỡ thêm để chia sẻ những vấn đề chưa đồng quan điểm.

Trước đó, trong phiên làm việc hôm qua 31/10, ĐB Vương Ngọc Hà cũng không đồng tình khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng "sai phạm trong điều tra hiện nay rất khủng khiếp".

Nữ ĐB Quốc hội đề nghị ĐB Lưu Bình Nhưỡng cung cấp nguồn số liệu mà ĐB này đã nói vì theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm thì vừa qua cơ quan chức năng đã đấu tranh làm giảm 2,7% án hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá đạt 81,33% (vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra).

"Những nội dung ĐB đưa ra là để các Bộ, ngành tiếp tục cải cách sao cho công tác điều tra tội phạm tốt hơn, đồng thời còn phải động viên các chiến sĩ vì đây là nhiệm vụ đặc biệt, đôi khi phải đổ máu", ĐB Vương Ngọc Hà nhấn mạnh.

Rà soát các đối tượng luân chuyển theo đúng quy định

Trả lời trước Quốc hội về giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tuân cho biết: Vừa qua Bộ Chính trị có ban hành quy định về luân chuyển cán bộ. Theo đó, chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ, không điều động về Trung ương hoặc về địa phương hoặc sang địa khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm và không có triển vọng phát triển.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tuân.

Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách thực hiện cán bộ luân chuyển, trong đó có chính sách về nhà công vụ, nhà ở trên địa bàn khó khăn.Cán bộ luân chuyển phải là cán bộ trẻ, có phát triển, năng lực tốt, phẩm chất trính trị đạo đức tốt. Tại kết luận số 24 năm 2017 của Bộ Chính trị về nguyên tắc điều động phân công bố trí công tác của cán bộ Trung ương luân chuyển, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với cấp ủy, các tổ chức về xem xét đề xuất bố trí cán bộ.

“Để thực hiện nhiệm vụ, tôi đã đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương và cơ quan có chức năng sắp tới rà soát đúng các đối tượng luân chuyển theo đúng quy định”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh

Cũng theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tuân: “Luân chuyển không kết hợp đề bạt bổ nhiệm để tránh tình trạng chạy luân chuyển; đồng thời phân cấp rõ trách nhiệm cơ quan đề nghị luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan thẩm định hồ sơ luân chuyển để làm tốt công tác này”.

Nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về từ chức

Trả lời ĐB Quốc hội về trách nhiệm nêu gương và cơ chế từ chức của cán bộ, công chức hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết: Từ chức là vấn đề mới, là hình thức tự nguyện nếu như cán bộ được bổ nhiệm thấy rằng mình không đủ sức khoẻ, uy tín, nếu có vi phạm.

Trong Luật Cán bộ, công chức cũng có quy định 5 hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức. Riêng với cán bộ lãnh đạo thì có hình thức bãi nhiệm, miễn nhiệm. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về hình thức từ chức.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình.

Theo Phó Thủ tướng, đây là vấn đề khá rộng cần nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện. Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu ban hành các văn bản quy định cụ thể về vấn đề này.Sau khi có Nghị quyết Trung ương 8 Khoá XII, chúng tôi nghĩ rằng, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa quy định của Đảng trong những văn bản quy phạm pháp luật. Từ chức, không chỉ trong cơ quan Chính phủ mà cả trong Đảng, hệ thống chính trị, đoàn thể chính trị xã hội…

Trong việc xem xét vấn đề từ chức, ngoài tự nguyện, nếu cán bộ có vi phạm, bỏ phiếu tín nhiệm không đạt thì vẫn bãi nhiệm theo quy định. Trách nhiệm pháp lý đối với những vi phạm nếu có của cán bộ, công chức đó thì vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay là bị xử lý hành chính, kỷ luật đảng, theo đúng quy định.

3 nhóm giải pháp căn cơ tổ thức thi tốt nghiệp PTTH quốc gia

Trả lời chất vấn của ĐB Triệu Thị Thu Phương về giải pháp căn cơ để không tái diễn vi phạm tại kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát quy trình kỳ thi và đưa ra 3 nhóm giải pháp căn cơ.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Một là, xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hoá theo hướng phong phú số lượng, nâng cao chất lượng từ đó xây dựng bài thi bám sát đánh giá năng lực học sinh và có phân hoá nhất định để các trường Đại học, Cao đẳng làm căn cứ xét tuyển. Giải pháp này "vừa trước mắt, vừa lâu dài rất quan trọng".

Hai là, cập nhật phần mềm quản lý thi, chấm thi để không có lỗ hổng. "Giải pháp công nghệ chúng tôi đã làm, tính khả thi cao", Bộ trưởng nói.

Ba là, siết chặt quy trình tổ chức thi, nhất là công tác chấm thi minh bạch.

"Với các giải pháp này chúng tôi sẽ có độ chắc chắn trong thực hiện kỳ thi tốt nghiệp PTTH quốc gia, tiến tới kỳ thi giảm áp lực, tạo công bằng cho các thí sinh", tư lệnh ngành GD&ĐT nhấn mạnh.

Nhiều cửa khẩu biên giới chưa phát huy hiệu quả

Trả lời chất vấn của ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) về hiệu quả đầu tư các khu kinh tế cửa khẩu dọc biên giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cả nước hiện có 26 khu kinh tế cửa khẩu dọc biên giới tại 21 tỉnh có biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các khu cửa khẩu này nhằm tạo cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư vào những tỉnh khó khăn, thúc đẩy hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với các nước, cải thiện đời sống, việc làm, tạo cơ hội phát triển cho địa phương.

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Bộ trưởng đánh giá sau 20 năm, có 9 khu giáp Trung Quốc hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại một số khu hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân do vị trí địa lý xa xôi, hiểm trở, quan hệ đầu tư của Việt Nam với Lào, Campuchia còn thấp; kinh phí đầu tư của cả  trung ương và địa phương cho các khu cửa khẩu này còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Giải pháp được Bộ trưởng đưa ra là sẽ tổng rà soát hoạt động các khu cửa khẩu để đánh giá thực trạng và có cơ chế phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng khu. Khu nào không hiệu quả sẽ thu hẹp, dừng ở một mức nhất định; khu hiệu quả sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư để phát huy hiệu quả.

Cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về xử lý ngân hàng yếu kém gắn với nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng nhà nước đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền về chủ trương xử lý ngân hàng yếu kém. Việc xử lý chậm là do còn định giá ngân hàng, đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư, sự tham gia của các nhà đầu tư vào xử lý các ngân hàng này. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện phương án chi tiết xử lý và sẽ báo cáo với Quốc hội, Chính phủ…

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng 

Về vấn đề xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, việc triển khai thời gian qua rất quyết liệt và đã đạt kết quả tốt. Cụ thể, cuối tháng 9-2018 vừa qua, Ngân hàng đã tổ chức sơ kết 1 năm việc triển khai. Theo đó, đã xử lý số nợ xấu 140.000 tỉ đồng; cuối năm 2017 đã xử lý được 7,7%, tháng 6-2018 xử lý được 6,7%... Sơ kết cũng cho thấy, còn một số tồn tại, hạn chế trong việc xử lý. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp các bộ như Bộ Tài chính, Toà án nhân dân các cấp để xử lý tốt hơn trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Việt Thắng về việc sử dụng tiền Việt Nam đồng và nhân dân tệ ở biên giới liệu có vi phạm Hiến pháp? Thống đốc Ngân hàng Lê Minh Hưng cho biết, các hoạt động giao dịch tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo đúng pháp luật của Nhà nước Việt Nam, đó là sử dụng đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam cũng có cả Pháp lệnh Ngoại hối, cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong một số trường hợp giao dịch vãng lai ở một số nước có chung đường biên giới, cho phép sử dụng đồng tiền của những nước có cùng chung biên giới. Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc, vì vậy theo Pháp lệnh Ngoại hối, cho phép sử dụng đồng tiền ngoại hối đúng quy định.

Bệnh viện thuộc Bộ Y tế phải gương mẫu trong liên thông kết quả xét nghiệm

Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về vấn đề liên thông kết quả xét nghiệm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, chính ông là người đề xuất. Khi mới được giao trách nhiệm theo dõi ngành Y tế, ông đã gặp rất nhiều người, trong đó có các nhà khoa học và được biết trong chi phí hiện nay cho việc chữa bệnh, thuốc chiếm 49%, kết quả xét nghiệm trên 11%, chụp, chẩn đoán hình ảnh là 8%. Đây là tỷ lệ quá lớn, rất lãng phí.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bệnh viện thuộc Bộ Y tế phải gương mẫu trong liên thông kết quả xét nghiệm.

Một trong những lý do là chính sách quản lý cơ chế tài chính của các cơ sở y tế, đặc biệt chính sách huy động xã hội hóa, thực chất là tư nhân hóa. Trong nhiều năm, nước ta huy động vào máy móc xét nghiệm, vì thế, có động cơ tìm mọi cách để xét nghiệm nhiều.

“Mục tiêu của liên thông xét nghiệm, đầu tiên là để phục vụ chữa bệnh tốt hơn. Thứ hai là tiết kiệm. Điều này đã được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời trước đó. Khi yêu cầu đặt ra phải có đề án liên thông xét nghiệm, bộ trình lên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp làm việc, yêu cầu rút ngắn tất cả thời hạn bộ đề ra”, Phó Thủ tướng nói.

Trong phiên chất vấn ngày 31/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ thí điểm tại các bệnh viện của bộ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không phải thí điểm, các bệnh viện thuộc bộ phải gương mẫu làm trước.

Trách nhiệm tư lệnh GTVT về cao tốc 34.500 tỷ kém chất lượng như thế nào?

Chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thểm ĐB Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi) nêu: Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi góp phần nâng cao hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết trong vùng để tạo độc lực kinh tế. Chính phủ và Bộ GTVT rất là quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ngày 2/9, dự án được thông xe toàn tuyến. Đây là niềm vui nhân dân các tỉnh.

 ĐB Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi)

Tuy nhiên, cử tri rất bức xúc về tình trạng chậm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng, đường gom, đường dân sinh chưa hoàn trả, ô nhiễm môi trường cũng như một số vấn đề khác. Cử tri cũng rất lo lắng về chất lượng của cao tốc này.

“Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã có những văn bản gửi Tổng cục Đường cao tốc nhưng chưa được trả lời. Trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp trong vấn đề này như thế nào? Bao giờ giải quyết những bức xúc của cử tri?”, nữ ĐB Quốc hội đặt câu hỏi.

Bộ trưởng GTVT hứa thực hiện trách nhiệm một cách tốt nhất

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay: Về dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đây là dự án quan trọng nhất miền Trung, được nhiều ý kiến quan tâm đến chất lượng. Về vốn, chúng ta hoàn toàn có đầy đủ, có thể làm tất cả các hạng mục liên quan đến dự án. Do đó, tôi xin liệt kê một số việc làm ngay, một số việc phối hợp thực hiện. Những con đường mà thực hiện đảm bảo giao thông trong quá trình xây dựng, khi xong thì thực hiện ngay hoàn trả lại đường công vụ, xây dựng đường địa phương.

 

Liên quan đến đường gom và công tác GPMB, tư lệnh ngành GTVT chia sẻ: GPMB theo luật là thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tiền thì đã có, Bộ GTVT đã chỉ đạo quyết liệt, VEC đã phối hợp với địa phương, chúng tôi mong đoàn đại biểu Quốc hội, UBND tập trung giùm cho công tác GPMB. Nếu không có mặt bằng thì không làm đường gom được. Đường gom ảnh hưởng đời sống người dân, không thể làm được việc này thì ảnh hưởng tiến độ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về việc nhà dân bị nứt, thực hiện theo luật, tất cả công việc này sẽ được đền bù cho người dân thông qua các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng các cấp, phối hợp với VEC, khảo sát, lập chi tiết đền bù cho người dân.

“Tôi xin nhắc lại tiền này đã có trong dự án, nếu làm nhanh thì tiền đưa về dân nhanh nhất. Đây là dự án quan trọng, chúng tôi quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, tôi cũng xin báo cáo Quốc hội, theo nghị định 131, VEC đang trực thuộc Ủy ban quản lý vốn, là một cơ quan thuộc Chính phủ. Chúng tôi xin cam kết sẽ phối hợp với Ủy ban và chính quyền địa phương, chỉ đạo VEC thực hiện trách nhiệm của mình một cách tốt nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Có hay không dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quản lý sử dụng tài chính công?

Phát biểu sáng 1/11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý nêu, năm 2018 Kiểm toán Nhà nước ban hành 269 kết luận kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 97.000 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra.

"Có hay không dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong quản lý sử dụng tài chính công? Dư luận cho rằng có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi chuyển sang cơ quan điều tra, Tổng Kiểm toán nói sao về dư luận này và có cam kết gì với cử tri cả nước?", ĐB Thuý hỏi.

Trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho hay, năm 2017 Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 16 vụ, hồ sơ sang các cơ quan, trong đó 4 vụ chuyển cơ quan điều tra và 12 hồ sơ sang cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật.

Luật Kiểm toán Nhà nước quy định 3 loại hình kiểm toán: kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán tuân thủ pháp luật và kiểm toán hoạt động. Các loại hình này được tiến hành trên cơ sở báo cáo tài chính của các bên cung cấp. Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra.

 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

"Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể như kiến nghị bịt lỗ hổng chính sách trong quản lý BT, đất đai, cổ phần hoá DN, thuế, tài chính công, tài sản công...", ông Phớc khẳng định.

Năm 2017, cơ quan này kiến nghị xử lý tài chính 97.000 tỷ và đến nay đã thu được 78,2%.

Về giải pháp chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, cơ quan kiểm toán Nhà nước đã triển khai xây dựng nhật ký online, thanh tra đột xuất; khi có thông tin về kiểm toán viên vi phạm thì tổ chức kiểm tra ngay, nếu không phát hiện dấu hiệu tiêu cực nhưng sai quy trình cũng đình chỉ kiểm toán viên đó.

"Kiểm toán Nhà nước nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trung thực. Chúng tôi cam kết có một thông tin về tiêu cực của kiểm toán viên thì sẽ xử lý và công khai tới ĐB", Tổng Kiểm toán Nhà nước hứa.

Nhiều bản án dân sự chưa được thi hành

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) về việc nhiều bản án dân sự chưa được thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận thực tế này.

Theo Bộ trưởng, thi hành án phụ thuộc vào khâu thẩm định, kê biên, giữ tài sản, tính khả thi của bản án, sự chủ động tích cực của những người thi hành án.

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Việc chậm thi hành án cũng còn do khâu xét xử, bản án khó khả thi. Hiện có 291 bản án mà các cơ quan thi hành án hoặc đương sự cho rằng án tuyên không rõ, khó thi hành.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, về nguyên tắc, án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thi hành. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, có thể phát hiện điểm không khả thi nên đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kháng nghị bản án. Vì vậy, đương sự cũng cho rằng có oan sai và chống đối quyết liệt nên các địa phương chưa sẵn sàng trong công tác phối hợp.

Giải pháp được đưa ra là: Khâu xét xử cố gắng ra bản án khả thi; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với cơ quan tòa án trong giải thích những việc chưa rõ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục các bên tự nguyện thi hành án, cử những chấp hành viên có trình độ chuyên môn cao nhất vào cuộc.

Lĩnh vực an toàn thực phẩm có nhiều bước tiến

Trả lời các câu hỏi về an toàn thực phẩm (ATTP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ATTP là nội dung rất quan trọng, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và xã hội. Trong những năm qua, lĩnh vực này đã đạt được nhiều bước tiến.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 42 triệu tấn nông sản thuộc nhóm thực vật đi 180 nước, trong đó bao gồm Nhật Bản, châu Âu, Mỹ,... chứng tỏ nông sản Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, ATTP là vấn đề lớn và khó, các bộ ngành có liên quan cần tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Về vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát huy hiệu quả kinh tế ngành nông nghiệp, theo Bộ trưởng cần áp dụng đồng bộ các giải pháp như sản xuất đúng quy trình, tăng cường giám sát tổ chức sản xuất để giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức chế biến tốt, tập trung công nghệ mới, tăng cường xử lý nước thải, phế thải... Bộ trưởng cho rằng ngành nông nghiệp cần hướng tới việc phát triển các chuỗi giá trị sâu hơn, không chỉ tập trung vào sản phẩm chính mà còn chú ý các sản phẩm phụ để bảo vệ môi trường, giảm ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.

45 tỉnh, thành đã phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố phóng xạ

Phát biểu tại phiên chất vấn sáng 1/11, ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi về các giải pháp quản lý nguồn chất thải Việt Nam đang nhập khẩu để tái chế có nguy cơ nhiễm phóng xạ và khi nào mạng lưới quan trắc cảnh báo phóng xạ của nước ta hoàn tất?

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Về vấn đề ĐB nêu, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo xử lý quyết liệt. Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để kiểm tra, đánh giá nguồn phế liệu nhập khẩu đầu vào.

Với những phế liệu có tính chất phóng xạ, hiện đã có 2 cảng Cát Lái - Thị Vải và Cái Mép có 8 cổng đo phóng xạ, trong khi sắt thép nhập vào nước ta có tỷ trọng cao đi qua hai cửa khẩu này.

 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Ngoài ra, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có danh sách nhà nhập khẩu, sản xuất để quán triệt, triển khai thiết bị phát hiện phóng xạ. Bộ cũng đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng cùng kiểm tra, đánh giá và xử lý kịp thời.

Về chất vấn của ĐB về ứng phó với điện hạt nhân, Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh cho hay Bộ đã tham mưu và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc phóng xạ và ứng phó sự cố. Đúng là việc triển khai có sự chậm chễ. Tuy nhiên, sau đó Bộ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Từ năm 2017 đến năm nay đã triển khai được 5 điểm tại miền Bắc là Lạng Sơn, Hải phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Hà Nội, đã thiết lập mạng lưới kết nối online về trực tiếp Bộ Khoa học và Công nghệ…

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch ứng phó quốc gia; 45 tỉnh, thành cũng đã phê duyệt ở địa phương mình. Bộ đã tham mưu để đầu năm tới có đề án ứng phó chủ động trong dài hạn về vấn đề này.

Phiên làm việc của Quốc hội sáng nay kết thúc lúc 11 giờ 31 phút. Chiều các đại biểu tiếp tục chất vấn lúc 14h.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đây là ngày cuối cùng Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện 6 Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, trong đó có 3 Nghị quyết về giám sát chuyên đề và 3 Nghị quyết về chất vấn.
Theo chương trình phiên họp, từ 15h50 đến 16h35, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Từ 16h35 đến 17h00, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Trước đó, ngày 31/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.