Việc tổng hợp phiếu và phân tích kết quả phiếu sẽ được thực hiện toàn bộ bằng máy. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố chiều cùng ngày và Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Đại biểu Quốc hội đánh giá những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bằng lá phiếu tín nhiệm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015. Từ khi có Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, đến nay, Quốc hội đã 2 lần lấy phiếu tín nhiệm vào năm 2013 và năm 2014. Trong 2 lần lấy phiếu tín nhiệm đó, chưa có trường hợp nào có kết quả quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” để có thể xin từ chức theo quy định hay từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”, để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát của Quốc hội, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Kết quả đánh giá tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu có cơ hội nhìn nhận lại chính mình, xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì để có phương hướng phát huy kết quả đạt được khắc phục, sửa chữa những hạn chế, tồn tại; là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền đánh giá cán bộ, thực hiện quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ một cách hiệu quả. Kết quả tín nhiệm thấp cũng là cơ sở để người được lấy phiếu có văn hóa ứng xử phù hợp, có thể tự nguyện từ chức hoặc thay đổi vị trí công tác phù hợp.
Trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội đã khẳng định, việc đánh giá người được lấy phiếu sẽ căn cứ trên cả quá trình công tác, không phải nhìn vào những vụ việc cụ thể. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): So với những lần lấy phiếu tín nhiệm trước, lần này báo cáo của các vị được lấy phiếu đã gửi sớm hơn và cụ thể hơn. Lần trước lấy phiếu tín nhiệm 2 lần nên có nhân sự mới vào được 1 năm, chưa thể hiện được vai trò của mình, việc lấy phiếu không chuẩn xác lắm. Lần này lấy phiếu giữa nhiệm kì thì đã có thời gian hơn 2,5 năm, các nhân sự thể hiện được vai trò và công việc của mình nên việc đánh giá sẽ chuẩn xác hơn.
Các đại biểu cũng đánh giá sự chuẩn bị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất chu đáo, gửi đến từng đại biểu đánh giá kiểm điểm của các nhân sự được lấy phiếu lần này. Rất nhiều báo cáo cụ thể, nêu được ưu điểm và giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Tuy nhiên, cũng còn có những bản báo cáo chưa hoàn thiện vì chỉ nêu thành tích mà chưa nêu hạn chế và giải pháp trong thời gian tới, trong đó có những điểm mà người dân và đại biểu kiến nghị nhiều lần nhưng chưa khắc phục.
Về phía cử tri và người dân, nhiều ý kiến bày tỏ rất quan tâm lần lấy phiếu tín nhiệm này, đặt niềm tin vào lá phiếu của các đại biểu Quốc hội. Lá phiếu tín nhiệm rất có giá trị về mặt chính trị, khẳng định trách nhiệm của đại biểu với cử tri.