Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội “mổ xẻ” thực trạng quản lý đất nông lâm trường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Theo đánh giá của các đại biểu (ĐB) Quốc hội, báo cáo giám sát và các bộ ngành liên quan đã đưa ra một bức tranh rất chi tiết về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh.

Qua báo cáo của Chính phủ, đến năm 2014, với 653 nông, lâm trường đang quản lý, sử dụng 7.916.366 ha đất, Nhà nước đã thực hiện thủ tục giao đất cho 642 đơn vị, diện tích 7.599.580 ha với các hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất. Trong đó, giao đất có thu tiền sử dụng đất cho 4 đơn vị với diện tích 2.029 ha, cho thuê đất  đối với 112 đơn vị với diện tích 472.709 ha, giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với 526 đơn vị với diện tích 7.124.842 ha.

Trong tổng số 7.124.842 ha đất đã được giao theo hình thức không thu tiền sử dụng đất có 5.143.653 ha thuộc 284 ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên tiếp tục thuộc diện giao đất không thu tiền sử dụng đất; còn lại 1.981.189 ha thuộc 242 đơn vị thuộc diện phải chuyển đổi sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất nhưng chưa thực hiện.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp lại theo Nghị quyết 28, đến ngày 31/12/2013, cả nước còn 408 đơn vị; trong đó có 156 công ty nông nghiệp, 163 công ty lâm nghiệp, 89 ban quản lý rừng (chưa tính các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an). Tổng diện tích đất 408 đơn vị đang quản lý, sử dụng là 4.013.784 ha; trong đó đất nông, lâm nghiệp 3.843.335 ha (chiếm 95,75% tổng diện tích); đất phi nông nghiệp 74.082 ha (chiếm 1,85%); đất chưa sử dụng 96.367 ha (chiếm 2,4%).

Qua giám sát của Quốc hội cho thấy, mới có 112 nông, lâm trường đã thực hiện chuyển sang thuê đất, với diện tích 472.709 ha; 4 nông, lâm trường chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất với diện tích 2.029 ha (đây là các đơn vị đã thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính đất đai); còn 242 nông, lâm trường, đang quản lý sử dụng 1.981.189 ha đất, nhưng chưa thực hiện chuyển sang diện thuê đất, hoặc giao đất có thu tiền. Điều này chứng tỏ việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai của các cơ quan, cấp chính quyền và các công ty nông, lâm nghiệp là chưa nghiêm, chưa đúng pháp luật.

Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, qua giám sát nhiều hạn chế tồn tại đã được chỉ ra. Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý đất đai của nông, lâm trường chủ yếu thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng thực tế công tác quản lý đất đai của các địa phương đang còn nhiều tồn tại như: Các nông, lâm trường được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai khá lớn (7.916.366 ha), song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là: Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, nhiều tồn tại về quản lý, sử dụng đất đai chậm được khắc phục, có nơi còn diễn biến phức tạp hơn.

Tình trạng giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến. Hiệu quả sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên rừng, vườn cây lâu năm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nhiều công ty chưa cao (điển hình ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung). Tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hoá, đất chưa sử dụng vẫn còn khá nhiều (hiện còn 236.619ha đất chưa sử dụng).

Kết quả sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hình thức. Phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất (khoảng 60% các công ty nông, lâm nghiệp với 88% diện tích). Vì vậy, từ báo cáo của các địa phương, đến báo cáo của Chính phủ đều không tổng hợp được đầy đủ số liệu về hiệu quả sản xuất kinh doanh và kết quả thu nộp ngân sách của toàn bộ các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.  

Tại các đơn vị sau cổ phần hóa (CPH), công tác quản lý đất đai vẫn còn lỏng lẻo. Báo cáo giám sát chỉ ra, trong 3 đơn vị CPH, do không quản lý chặt chẽ nên phần lớn diện tích đất trước đây nông, lâm trường đã giao khoán cho người lao động đã bị chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng trái phép (trước khi CPH); khi thực hiện CPH, đơn vị không thu hồi được (điển hình là: Công ty cổ phần Gà giống Ba Vì, Công ty cổ phần Giống nông - lâm nghiệp Quảng Nam; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông - lâm sản chế biến, thuộc Tổng công ty Rau quả - Nông sản, Công ty Việt Mông…).

Tại 10 đơn vị do thực hiện khoán trắng nên khi thực hiện CPH, công tác quản lý đất đai, định hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh rất khó khăn, không thu hồi được các diện tích khoán và đang sử dụng không đúng mục đích (điển hình là: Công ty cổ phần Đông Triều, Công ty Chè Long Phú, Công ty lâm đặc sản Quảng Nam…). Có 11/32 đơn vị sau khi CPH đã không thực hiện rà soát, quy hoạch sử dụng đất và làm thủ tục chuyển sang giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai…

Trong phiên thảo luận các ĐB tiếp tục chỉ ra rất nhiều những hạn chế trong quản lý nông lâm trường ở các địa phương, trong đó có việc khoán trắng cho địa phương, các bộ ngành chưa xác định rõ trách nhiệm của mình. Các ĐB Quốc hội đề xuất Quốc hội cần ban hành nghị quyết về kết quả giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, bộ ngành, địa phương.