Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội Pháp "đóng băng" ngân sách trong 5 năm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone thuộc đảng Xã hội của Tổng thống Francois Hollande cho biết ông muốn Quốc hội phải là cơ quan "gương mẫu, công khai và hữu ích hơn" trong việc sử dụng ngân sách. Ông cho biết trong thời gian làm Chủ tịch cơ quan lập pháp, ông sẽ đưa ra thực hiện nguyên tắc "không thêm một euro nào" cho ngân sách Quốc hội.

Ngày 25/9, Pháp đã thông báo chương trình "thắt lưng buộc bụng" mới nhất, theo đó Quốc hội là cơ quan đầu tiên thực hiện "đóng băng" ngân sách trong vòng 5 năm và chi tiêu của các nghị sỹ sẽ bị cắt giảm 10%.

Trước đó, Tổng thống Hollande cũng cảnh báo người dân Pháp rằng họ sẽ phải hạn chế chi tiêu đến mức cao nhất để tiết kiệm 30 tỷ euro (38 tỷ USD) nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước này giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP vào năm sau, theo đúng mức quy định của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nước thành viên.
 
Quốc hội Pháp "đóng băng" ngân sách trong 5 năm - Ảnh 1
Một phiên họp của Quốc hội Pháp. (Nguồn: AFP)

Trước đó, Chính phủ mới của ông Hollande cũng đã thực hiện cắt giảm 30% lương của Tổng thống, Thủ tướng và các bộ trưởng. Ngoài ra, xe công vụ của các nghị sỹ hiện cũng bao gồm cả các dòng xe lai và xe điện.

Trong khi đó, liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng euro (Eurozone), ngày 24/9, phát biểu trước khi tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York trong tuần này, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã kêu gọi khẩn trương đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh "quan trọng" của lãnh đạo các nước EU vào tháng tới.

Tuy khẳng định "châu Âu đang trên đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng," song ông Rompuy cũng cảnh báo về những khó khăn mà châu Âu đang phải đương đầu, trong đó có một gói cứu trợ đầy đủ dành cho Tây Ban Nha hay việc liệu có phải cho Hy Lạp thêm thời gian để thực hiện những cam kết về cải cách và ngân sách, cũng như việc phải đẩy nhanh và mạnh đến đâu tiến trình hình thành một liên minh ngân hàng Eurozone và EU.

Ông Rompuy cho biết Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 18-19/10 sẽ phải giải quyết "những vấn đề hết sức khó khăn đối với đồng euro," cũng như sẽ "thảo luận những kế hoạch rất cụ thể" về một liên minh chặt chẽ hơn về chính trị, kinh tế và tiền tệ - những vấn đề mà theo ông Rompuy, lẽ ra đã phải được giải quyết từ lâu.

Theo Chủ tịch EU, các nỗ lực nhằm đưa khối này trở lại con đường tăng trưởng mạnh mẽ hơn không chỉ vì một ngân sách lành mạnh, mà còn vì "tăng trưởng và việc làm và vì tương lai chung" của EU.

Những bất đồng sâu sắc lại trở nên trầm trọng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất trong khu vực là Pháp và Đức xung quanh cách thức thực hiện các kế hoạch phối hợp chặt chẽ hơn các chính sách của EU sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 6/9 đã phải ra tay hành động nhằm giảm thiểu sức ép lên các thị trường tài chính. Pháp vẫn muốn thuyết phục Tây Ban Nha chấp nhận một gói cứu trợ đầy đủ theo cơ chế mới của EU, và cho Hy Lạp thêm thời gian trong việc đáp ứng các điều kiện cứu trợ, cũng như tăng tốc các kế hoạch thành lập liên minh ngân hàng EU.

Trong khi đó, Đức rõ ràng là không hào hứng đối với việc tăng quy mô khoản hỗ trợ đó thành một gói cứu trợ đầy đủ, và nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu này cũng muốn EU có bước tiếp cận chậm, nhưng chắc chắn, đối với các cải cách trong lĩnh vực ngân hàng.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble tuần trước nói rằng, việc hình thành một liên minh ngân hàng đầy đủ với một nhà điều hành và giám sát duy nhất sẽ khó có khả năng thực hiện được từ ngày 1/1/2013 tới. Trong khi đó, người đồng cấp Pháp Pierre Moscovici, lại cho rằng sự chậm trễ trong vấn đề này là một sai lầm.