Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (1/4), Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sáng 21/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Báo cáo nêu rõ, năm 2015, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về đánh giá tình hình KT-XH 5 năm 2011-2015, Báo nêu: Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn ở những năm cuối; bước đầu thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.

Trong 5 năm tới, Báo cáo đặt mục tiêu, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP.  Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40%.

Về xã hội: Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.

Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Báo cáo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời khẳng định: Chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.