Quốc hội thảo luận KT-XH: "Tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên"

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm...

Ngày 25/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
 Quốc hội thảo luận về KT-XH, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19
Quốc hội cũng thảo luận nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới.
Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Là đại biểu đầu tiên phát biểu ý kiến, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội) bày tỏ tán thành với báo cáo về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách của Chính phủ, trong đó có nhiều thành tích đạt được rất đáng tự hào, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí cao với các phương án nhiệm vụ và 8 giải pháp mà Chính phủ đề ra cho 6 tháng cuối năm. Đại biểu ghi nhận Chính phủ đã có nhiều động thái tích cực kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ kinh doanh, phục hồi các hoạt động kinh tế; đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa các giải pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.

 Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (đoàn Hà Nội)

Cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia cùng cả nước phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh, đẩy mạnh công tác từ thiện, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, tham gia quyên góp nguồn lực đóng góp cho phòng chống dịch. Đáng chú ý, ngày 19/7, Hòa thượng Chủ tịch Giáo hội ban hành văn bản kêu gọi tăng ni, Phật tử thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phòng chống dịch...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang): Thống nhất với nhận định đánh giá của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng cả nước, tác động rất lớn đến việc sản xuất và đời sống của nhân dân.

Vì thế kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2021 đạt được đáng phấn khởi, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng phục hồi, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, kim ngạch xuất nhập khẩu, sản xuất nông thủy sản tăng khá... Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng quốc tế tín nhiệm nâng điểm triển vọng lên tích cực...

Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân cả nước, trong đó, đặc biệt là vai trò điều hành của Thủ tướng, sự hỗ trợ, chia sẻ của Quốc hội đã góp phần đạt được kết quả đáng trân trọng nêu trên.

Theo đại biểu, trong 6 tháng cuối năm diễn biến dịch còn phức tạp, số lượng doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều kiện để đảm bảo an toàn cho sản xuất là thách thức.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có thêm các phương án cụ thể để xử lý tình huống kịp thời các tình huống xảy ra khi có biến động bất ổn về môi trường kinh doanh, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nhiều rủi ro khác để các hoàn thành mục tiêu mà nghị quyết đề ra.

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, đại biểu cho rằng, báo cáo chính phủ đã đánh giá khá toàn diện bức tranh kinh tế của nước ta trong giai đoạn 2016-2021 với nhiều kết quả đạt được.

Đại biểu nhất trí với các giải pháp đề ra trong kế hoạch, đồng thời đề nghị Chính phủ cần linh hoạt có những giải pháp phù hợp với từng thời điểm phát triển cũng như chú trọng đến những lĩnh vực cần ưu tiên phát triển như CNTT để làm nền tảng đẩy mạnh phát triển kinh tế số.

Đối với khu vực Đông bằng sông Cửu Long, Đại biểu bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực này để khai thác mạnh mẽ tiềm năng to lớn của vùng. Đại biểu lưu ý, trong kế hoạch phát triển thời gian tới, chưa có Dự án xây dựng cao tốc Kiên Giang-Hà Tiên-Rạch Giá, do đó đề nghị cần đưa Dự án này vào Kế hoạch, trước mắt có thể là đoạn Hà Tiên-Rạch Giá để kết nối với cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi.

Đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận”

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) trân trọng chuyển những tình cảm, sự biết ơn sâu sắc của cử tri, nhân dân Bắc Giang đến với người dân cả nước, với các lực lượng tuyến đầu chống dịch đã giúp đỡ Bắc Giang trở về với trạng thái bình thường.

 Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

“Tôi đồng tình với việc Quốc hội trao “thượng phương bảo kiếm” cho Chính phủ “ra trận” để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tôi tin tưởng cuộc chiến chống dịch sẽ thành công”, đại biểu Lâm nói.

Đại biểu khẳng định phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt, bày tỏ đồng tình, tuyệt đối tin tưởng vào các giải pháp của Chính phủ. Theo Đại biểu Lâm, phải tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thích ứng linh hoạt trong dịch bệnh, có như vậy sự phát triển trong quý IV mới là nền tảng để thực hiện tốt mục tiêu của cả năm 2021.

“Tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên”

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) bày tỏ: “Chúng ta đều chưa quên tại hội trường này, tại kỳ họp thứ 10, Quốc Hội khóa XIV đã thảo luận khá sôi động về hậu quả của thiên tai, bão lũ. Chúng ta cũng chưa quên những mất mát không tính được bằng tiền, đó là thiệt hại về tính mạng, về những ảnh hưởng tới môi trường mà hàng trăm năm sau cũng chưa dễ gì khắc phục”.

Tại kế hoạch đầu tư công trung hạn tới đây có 4479 dự án, các kế hoạch, chương trình ở các mức độ khác nhau đều có tác động ít nhiều đến môi trường và để giảm thiểu các tác động tiêu cực, đại biểu kiến nghị:

 ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội)

Thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tất cả các tác động môi trường và đánh giá cao tính thực chất của báo cáo đánh giá tác động môi trường, tránh hời hợt, hình thức.

Thứ hai, cần có cơ chế xác định trách nhiệm cụ thể, nhất là trong trường hợp để xảy ra thiệt hại, tuyệt đối không đổ lỗi cho thiên nhiên.

Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), các báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ và báo cáo thẩm tra cho thấy bức tranh toàn cảnh về tình hình đất nước thời gian qua và trong muôn vàn khó khăn, đất nước ta đã đạt được nhiều thành công.

Phân tích những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong nước tác động tiêu cực đến kinh tế, sinh hoạt và sức khỏe nhân dân, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm cập nhật, xây dựng các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản đó xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững.

Trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân. Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+vaccine trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế; tổ chức các bệnh dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh; tăng cường hơn nữa các hoạt động hội họp trực tuyến để bảo đảm giãn cách, giảm thiểu lây lan dịch bệnh;…

Đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch 5 năm được Chính phủ xây dựng cụ thể, có tính toán, cân nhắc kỹ và đề ra nhiều giải pháp mang tính khả thi cao. Đại biểu đề nghị, trong kiên định thực hiện mục tiêu kép, thời gian tới, Chính phủ dành sự quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân, thi công các dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng cũng như quan tâm đầu tư cho các dự án thủy lợi để tạo điều kiện thúc đẩy hoạt đông sản xuất nông nghiệp – một bệ đỡ, một ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Nhấn mạnh các dự án đầu tư hiện nay bị chậm tiến độ phần nhiều do những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, Đại biểu kiến nghị tách riêng hợp phần giải phóng mặt bằng thành một dự án khác, qua đó tập trung tháo gỡ khó khăn, xử lý hiệu quả vấn đề giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tạo dựng hạ tầng tốt cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhấn mạnh, với chủ trương hành động “chống dịch như chống giặc” tuy “kẻ thù” rất mạnh và lại vô hình, mọi hành động quyết sách đều phải quyết liệt, quyết tâm cao, việc Quốc hội đồng ý cho Chính phủ thực hiện những hành động mạnh mẽ là việc làm rất cần thiết. Đại biểu An đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa để đưa vaccine về Việt Nam và đồng ý cho doanh nghiệp chủ động tiếp cận nguồn vaccine cho nhân viên. Cần có vaccine “made in Vietnam” càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, cần tập trung tối đa nguồn lực kinh tế của đất nước cho những nhiệm vụ cấp bách, phải loại bỏ, cắt giảm những dự án không hợp lý, xử lý dứt điểm các dự án đang thua lỗ… Phải tăng cường quản lý thuế, chống thất thu, giải ngân các gói hỗ trợ đến đúng tay người cần. Cần quan tâm đến giáo dục, nghiên cứu xây dựng trường học an toàn để đưa trẻ đến trường. Phải bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội vì dịch bệnh làm ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội.

Bày tỏ đồng tình với dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) có những đóng góp cụ thể về câu chữ liên quan đến nội dung về mục tiêu tổng quát và các giải pháp mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch liên quan đến công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh; hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; hoạt động kiểm soát đầu vào của ngành nông nghiệp; công tác quy hoạch và rà soát diện tích đất trồng luá, vùng chuyên canh cây nông nghiệp; việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí; trách nhiệm giám sát của đại biểu và các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội;…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần