Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tội phạm: Nhức nhối nạn tội phạm có tổ chức, băng nhóm lừa đảo

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2019 và các báo cáo công tác của ngành tư pháp. Trong đó, phòng, chống tội phạm môi trường là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) đề cập đến.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp
Trấn áp mạnh mẽ tội phạm lừa đảo
Trong phiên thảo luận, cùng với việc ghi nhận những kết quả ngành tư pháp đã chỉ ra, các ĐB cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Số vụ phạm pháp hình sự tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các vụ giết người với hành vi gây án dã man; tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm có tổ chức núp bóng DN...
Đồng thời, tình trạng nhiều băng nhóm, đường dây hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tỷ đồng xuất hiện với mức độ ngày càng nghiêm trọng, xảy ra nhiều nơi. Trong đó nổi lên là việc hình thành các băng nhóm lừa đảo có tổ chức, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực bất động sản đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội, kinh tế, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Theo ĐB Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), việc cơ quan điều tra khởi tố các vụ án trên và sự quyết liệt trấn áp các thủ đoạn lừa đảo tinh vi để truy tố trước pháp luật vừa qua của cơ quan tố tụng được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, hiện lĩnh vực bất động sản đang là môi trường cho các đối tượng lừa đảo hoành hành. Đồng thời tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cho vay, vô tình tiếp tay cho dự án "ma" và các băng nhóm lừa đảo. Nhiều địa phương cắm biển cảnh báo, lắp camera nhưng các nhóm này vẫn cố tình không chấp hành.
Theo ĐB, hiện nay còn nhiều công ty lừa đảo hoạt động kiểu Công ty Alibaba, Công ty Angel Lina hình thành dự án ma, phân lô bán nền, sinh ra liên minh ma quỷ, băng nhóm xã hội đen với thủ đoạn chuyên nghiệp, tinh vi. "Nhiều cử tri đặt câu hỏi nghi vấn có phải do cơ chế, kẽ hở của pháp luật, sự lỏng lẻo của quản lý Nhà nước gây nên tình trạng trên và tha thiết đề nghị chính quyền địa phương, bộ trưởng Bộ Công An, các cơ quan tố tụng cần tập trung chỉ đạo tấn công quyết liệt, điều tra truy tố và trừng trị nghiêm những liên minh ma quỷ, nhóm tội phạm trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời xử lý nghiêm những công chức tiếp tay, làm ngơ, bảo kê để dự án ma và các công ty lừa đảo" – ĐB Đinh Duy Vượt nêu.
Công khai xét xử các vụ vi phạm môi trường
Phòng, chống tội phạm môi trường là vấn đề được nhiều ĐB đề cập tới. Theo các ĐB, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh các hành vi vi phạm, nhưng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải vẫn chưa được xử lý, khắc phục, ảnh hưởng xấu đến đời sống vẫn diễn ra phổ biến. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) dẫn ra các số liệu, năm 2019 đã phát hiện 22.535 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, với 2.782 tổ chức và 20.663 cá nhân vi phạm, nhưng các cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố 355 vụ, 395 bị can xử lý hành chính, xử lý hành chính 19.600 trường hợp. Việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vụ vi phạm phát hiện được, chỉ bằng 1,58%. Nguyên nhân chủ yếu là do tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý. ĐB đề nghị, Chính phủ sớm có các giải pháp khắc phục tình trạng này, yêu cầu Bộ Công an tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý hành chính, hình sự đúng quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường.
Theo ĐB Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang), có hiện tượng nhờn luật, coi thường pháp luật, chấp nhận phạt cho tồn tại, sau vẫn tái phạm. “Cần có thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện các hành vi xả thải trộm. Đồng thời, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đảm bảo tính đồng bộ, khả thi. Kiên quyết không để tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, tiêu cực, lợi ích nhóm chi phối. Xây dựng, bổ sung hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe và kiên quyết xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường”- ĐB đề nghị.
Các ĐB cũng đề nghị công khai xét xử các vụ vi phạm môi trường, lựa chọn vụ việc điển hình để có tính răn đe chung, tránh việc đổ lỗi cho khách quan hoặc đưa nhiều nguyên nhân trốn tránh trách nhiệm của tổ chức và cá nhân. “Phải rà lại các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, đánh giá lại tác dụng của xử phạt hành chính, xử lý nặng hơn nếu tái phạm. Công khai các xử phạt hành chính về môi trường lần 1, lần 2... các cơ sở tái phạm, các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra để khởi tố, điều tra” - ĐB Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần