Hạn chế “quân xanh, quân đỏ”
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Dự luật đã tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định chặt chẽ hơn trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, tách bạch những vấn đề liên quan đến trước và sau khi tổ chức cuộc đấu giá như: Niêm yết việc đấu giá tài sản, đăng ký tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, xử lý tiền đặt trước và chuyển quyền sở hữu tài sản. Đồng thời bổ sung các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, người tham gia đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan... làm cơ sở áp dụng chế tài xử lý mạnh mẽ hơn đối với các hành vi vi phạm.
Cho ý kiến vào Dự luật, ĐB Hoàng Thị Thu Trang (đoàn Nghệ An) cho rằng, Dự luật đã có sự đột phá trong quy định nhằm ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong tổ chức bán đấu giá tài sản. Nhưng theo ĐB, thực tiễn việc bán đấu giá tài sản, đặc biệt là bất động sản hiện nay đang bị chi phối bởi các nhóm đối tượng cò, xã hội đen. Các nhóm này mặc dù không tham gia trực tiếp nhưng bằng mọi cách uy hiếp người đấu giá. “Cá biệt ở Nghệ An có trường hợp đã dùng súng để uy hiếp chi phối, làm ảnh hưởng đến kết quả bán đấu giá, thu lợi bất chính, đồng thời vô hiệu hóa các quy định của pháp luật của Nhà nước, gây hoang mang cho người dân” - ĐB dẫn chứng và cho rằng: Cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương liên quan và các tổ chức bán đấu giá trong việc bảo vệ các phiên đấu giá, nhất là các phiên đấu giá tài sản có giá trị lớn.
Nên để tổ chức độc lập đấu giá
Liên quan đến việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC và của các công ty quản lý tài sản khác. Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), Dự luật chỉ nên quy định về nguyên tắc đấu giá nợ xấu, tài sản đảm bảo nợ xấu và giao Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá nợ xấu. ĐB Thành đề nghị không nên để VAMC là tổ chức đấu giá trực tiếp nợ xấu mà nên để một tổ chức độc lập thực hiện, như thế sẽ đảm bảo tính khách quan, độc lập.
Đồng tình với quan điểm này, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phân tích, khi bán tài sản dù là nợ xấu thì cũng là tài sản của Nhà nước, nên khi bán phải thực hiện qua các tổ chức đấu giá: “Nếu giao cho VAMC vừa quản lý tài sản nợ xấu, vừa bán nợ xấu thì không khác gì tạo ra sự không bình đẳng, các cơ quan khác không được bán VAMC lại được bán”. Về việc tổ chức đấu giá tài sản, ĐB Cường góp ý: Không nên thành lập trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp, bởi lẽ cơ quan quản lý Nhà nước là cơ quan quản lý bán tài sản mà giờ lại thành lập ra cơ quan bán tài sản thì có nghĩa “mình quản lý mình”. Điều này giống như “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không khách quan.