Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (30/10), các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế -xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Trong phiên thảo luận sáng nay, liên quan đến nguồn vốn ODA, theo đại biểu (ĐB) Lê Thị Nga (Thái Nguyên), nguồn vốn ODA chủ yếu là cho vay có điều kiện, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH. Những vụ việc tiêu cực từ việc sử dụng nguồn vốn này thời gian qua đã ảnh hưởng đến đất nước… “Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức tốt nghiệp ODA thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó” - ĐB Nga nói.

Đồng thời, Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.

Cũng nói về vốn ODA, ĐB Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang cho rằng cần hết sức cẩn trọng khi vay vốn thực hiện các dự án ODA, bởi đây chính là nguyên nhân gia tăng gánh nặng nợ công. “Chính phủ phải quán triệt nguyên tắc không vay ODA cho chi thường xuyên, các dự án ODA vay phải có ý kiến của các cơ quan Quốc hội trước khi tiến hành” - ĐB Tiên đề nghị.

Về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) phân tích, Việt Nam đang là một trong những nước có độ mở lớn nhất thế giới, nền kinh tế nước ta đang phục hồi là có cơ sở, nhưng nếu nhìn về tiềm năng, với vị trí địa chính trị, kinh tế thuận lợi, chính trị ổn định, 4 năm qua, tốc độ tăng trưởng của chúng ta đều dưới tiềm năng, chỉ đạt chưa đầy 5% so với tốc độ trung bình trên 7% của 20 năm trước đó. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, nước ta đã giảm được lạm phát, cán cân thương mại được cải thiện, tiền tệ ổn định…

ĐB Ngân cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng cao trở lại trên cơ sở những quyết sách đúng. Trước mắt, Chính phủ cần có hỗ trợ lãi suất về trung và dài hạn để DN đầu tư sản xuất, góp phần giảm độ mở về kinh tế; chú ý an toàn trong giao thông, vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính, con người hành chính; đầu tư cho công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cao.

Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế, trong đó, nguyên nhân bao trùm là do chúng ta tái cơ cấu, sắp xếp DN chậm; kỷ cương, kỷ luật điều hành, chấp hành chưa nghiêm túc. “Nếu chúng ta không giải quyết triệt để, có kết quả những hạn chế này thì sẽ rất khó đạt được những chỉ tiêu đề ra cho năm 2015” - ĐB Kiêm nói.

Bên cạnh đó, một số ĐB cũng cho rằng chúng ta cần thận trọng trước những chỉ tiêu lạc quan đạt được, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị Chính phủ cân nhắc, đánh giá thận trọng hơn những chỉ tiêu KT-XH lạc quan đã đạt được, bởi thực tế có những khó khăn hơn rất nhiều so với báo cáo của Chính phủ...
Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội - Ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM). Ảnh: VOV
ĐB Đặng Thuần Phong - Bến Tre cũng cho biết, dư luận và cử tri chưa an tâm khi thấy kinh tế phục hồi chưa vững chắc, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu; thất nghiệp, tệ nạn xã hội… đang là những thách thức lớn với sự phát triển.

Về vấn đề tăng trưởng kinh tế, theo ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội), năm qua, kinh tế nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ “chết người”, nhiều vấn đề nổi cộm khiến Nhân dân lo lắng, trong đó có vấn đề năng suất lao động thấp, trong khi vốn và lao động là tiền đề của tăng trưởng.

Dự báo nguồn vốn thời gian tới rất khó khăn, lao động nước ta đang ở giai đoạn dân số vàng cũng đồng nghĩa với đang ở giai đoạn già hóa. Do đó, việc nâng cao năng sức lao động là bước đi sống còn giúp kinh tế Việt Nam cạnh tranh và tăng trưởng so với các nền kinh tế khác trong bối cảnh hội nhập.

Theo ĐB Thường, hiện 50% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, năng suất lao động ở nước ta thuộc nhóm thấp nhất các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại tái cơ cấu nhân lực vì đây là chìa khóa giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.

“Chúng ta cần đổi mới hơn nữa GD-ĐT theo hướng học hỏi, rèn luyện bản lĩnh tự cường; thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp; tăng chất lượng thông tin giúp người lao động lựa chọn ngành nghề; nhập khẩu công nghệ, máy móc cần theo định hướng công nghệ nguồn” - đại biểu Thường đề xuất.

Cùng bàn về vấn đề tăng trưởng, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) khẳng định, nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải, chưa có giải pháp căn bản xử lý. Các công ty mua bán, quản lý nợ thiếu cả nguồn lực, năng lực, quyền lực. Theo ĐB Hùng, việc mua bán nợ là của cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế mạnh hơn, cho phép các công ty trên mua bán nợ theo thị trường chứ không phải bằng biện pháp hành chính.

Ngoài ra, nhiều ĐB cho rằng, việc xử lý nợ xấu là vấn đề cơ bản, không chỉ mình ngân hàng đảm nhiệm, mà phải có ban chỉ đạo liên ngành để tập trung xử lý, đặc biệt là những khoản nợ xấu của Nhà nước. Đồng thời, quá trình xử lý nợ cần sự tham gia của cả Nhà nước và DN, phải gắn với việc xử lý hàng tồn kho, thúc đẩy thị trường…

Về vấn đề điều hành KT-XH, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho biết, báo cáo về KT-XH của Chính phủ chưa đề cập đúng mức về trách nhiệm quản lý điều hành của các bộ, ngành trung ương và địa phương. “Nội dung báo cáo của Chính phủ luôn nhắc đến những hạn chế trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp nhưng đến nay chưa chuyển biến rõ. Tôi đề nghị Chính phủ cần đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn, làm rõ trách nhiệm cá nhân mỗi ngành, mỗi cấp, từ trung ương đến địa phương” - ĐB Vở nói.

ĐB Vở đề nghị Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết KT-XH của Quốc hội việc xác định rõ trách nhiệm, tiến độ, thời gian, giải pháp thực hiện về trồng rừng thay thế công trình thủy điện. Theo ông, vấn đề trước mắt cần làm ngay là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bằng những giải pháp về thuế, vốn theo hướng ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh chính sách cho vay, thế chấp, tín chấp, lãi suất cho vay dài hạn; tiếp tục tạo đột phá về thể chế, phân bổ nguồn lực, quản lý nguồn lực cho kết cấu hạ tầng giao thông trên cơ sở phát huy lợi thế về kinh tế vùng; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần