Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc hội thông qua các luật về tư pháp và trưng cầu ý dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tạm giữ tạm giam, Bộ Luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi), Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí, lệ phí.

Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định

Với đa số đại biểu (ĐB) tán thành, Luật Trưng cầu ý dân đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, Luật thể hiện rõ: Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân. Về chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, Luật quy định Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số ĐB Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).  	Ảnh:  Ngọc Linh
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Ảnh: Ngọc Linh
Về kết quả trưng cầu ý dân, Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành. Theo ý kiến của UBTV Quốc hội, quy định này để thể hiện sự đồng thuận cao của cử tri cả nước đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu. Trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân này không thành công và theo quy định tại Điều 9 của Luật thì “Không tổ chức lại việc trưng cầu ý dân về nội dung đã được trưng cầu ý dân trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày kết quả trưng cầu ý dân được công bố”.

Trước đó, trong giải trình, tiếp thu của UBTV Quốc hội chỉnh lý Dự thảo Luật Trưng cầu ý dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Qua thảo luận có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân; bổ sung trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình. Tuy nhiên, UBTV Quốc hội thấy rằng, những vấn đề mà ĐB nêu đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp và như vậy là đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác đã thuộc phạm vi các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội. Mặt khác, khoản 4 Điều 6 còn có quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để Quốc hội căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết.

Tòa án không được từ chối vụ việc dân sự
Cho phép thu phí sử dụng lòng đường, hè phố
Luật Phí, lệ phí được Quốc hội thông qua có một điểm đáng lưu ý là cho phép thu phí sử dụng lòng đường, hè phố. Giải trình về vấn đề này, UBTV Quốc hội cho rằng: Thực tế hiện nay, việc quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố ở một số đô thị còn chưa tốt. Nhưng việc sử dụng lòng đường, hè phố là nhu cầu thực tế, cần thiết ở tất cả các đô thị, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước trên thế giới và là nguồn thu ngân sách Nhà nước khá lớn của nhiều đô thị. Mặt khác, việc quy định thu phí đối với lòng đường, hè phố cũng là một công cụ góp phần quản lý đô thị, nếu không thu phí lòng đường, hè phố sẽ thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Do đó, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên nội dung này.

Hai bộ luật, luật liên quan đến công tác tư pháp là Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) và Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua đều có hiệu lực từ 1/7/2016.

Trong đó, nội dung "tòa có xử được án hành chính cùng cấp không" trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) vốn là vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau. Không ít ĐB đã thể hiện lo ngại việc "dân kiện quan" không thỏa đáng khi tòa án cấp huyện khó độc lập với chính quyền huyện. UBTV Quốc hội đã xin ý kiến ĐB và kết quả có 279 ĐB (67,7%) tán thành giao cho tòa án cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện; 126 ĐB (30,6%) muốn giữ như cũ là tòa cấp huyện xử án hành chính cấp huyện. Luật được thông qua đã được chỉnh lý theo đa số ý kiến của ĐB.

“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là một nội dung đáng chú ý trong Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Luật quy định: Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng. Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật này quy định. Nguyên tắc giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng là áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ và lẽ công bằng.

Cùng ngày, Luật Tạm giữ, tạm giam cũng được Quốc hội thông qua. Một điểm rất đáng chú ý là khoản 4 Điều 18 Luật quy định: Người đồng tính, người chuyển giới; phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình, người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng. Đây được coi là một quy định rất tiến bộ, nhất là trong bối cảnh Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) vừa được thông qua trước đó cũng đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân.
Ngày 25/11, các ĐB cũng bỏ phiếu tán thành phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia về danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Theo đó, 4 Phó Chủ tịch gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Cùng với đó là 16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Đồng thời, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng Thư ký Quốc hội. Ngày bầu cử là ngày Chủ nhật, 22/5/2016. Quốc hội giao UBTV Quốc hội công bố ngày bầu cử trước 115 ngày đúng theo luật định.
Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Sinh Hùng hứa làm hết sức mình, tuân thủ nghiêm túc Hiến pháp và pháp luật để cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 được thực hiện theo đúng Hiến pháp và pháp luật.