Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình báo cáo giải trình, tiếp thu những đóng góp của ĐBQH cho dự án Luật. Trong đó chỉ rõ, về cơ bản, các ý kiến đều tán thành với sự cần thiết ban hành và cho rằng, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến của Quốc hội khóa XII và khóa XIII. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan, nghiên cứu tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi Phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự thảo Luật.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ, lược bỏ hoặc chỉnh lý nhiều quy định của dự thảo Luật; đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa những cơ chế, chính sách bảo đảm tính quy phạm, rõ ràng và khả thi hơn. Cụ thể, đã rà soát, lược bỏ một số nội dung trong các quy định về bảo tồn và phát triển văn hóa (Điều 11), về phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 12), về phát triển khoa học và công nghệ (Điều 13)…, quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 25) và một số quy định, câu chữ trong các điều khoản cụ thể khác.
Giải trình cho các ý kiến, Luật Thủ đô chỉ nên điều chỉnh những vấn đề thực sự của riêng Thủ đô, không nên điều chỉnh những vấn đề mà các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều có. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Hiến pháp hiện hành, Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Như vậy, Thủ đô của cả nước được xác định gắn với địa bàn cụ thể là thành phố Hà Nội nên khó có thể tách bạch được cái gì là của Thủ đô, cái gì là của thành phố Hà Nội để quy định trong Luật Thủ đô. Tuy nhiên, đây là Luật Thủ đô nên cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho thành phố Hà Nội làm tròn trách nhiệm đối với Thủ đô của cả nước.
Với một số cơ chế, chính sách đặc thù, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát chỉnh lý lại một số quy định về cơ chế, chính sách cho cụ thể và hợp lý hơn. Trong đó, quy định của dự thảo cho phép Hà Nội thu một số loại phí cao hơn trong lĩnh vực giao thông vận tải không quy định trong Luật Thủ đô. Còn các mức thu phí cụ thể thì HĐND TP Hà Nội quy định cụ thể trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ và Bộ tài chính theo quy định của pháp luật phí và lệ phí.
Việc đăng ký thường trú ở nội thành cũng là vấn đề được đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm. Luật được thông qua cơ bản giữ nguyên điều kiện đăng ký thường trú như quy định của Luật cư trú đối với các trường hợp được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, về ở cùng với người thân hoặc trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành... Chỉ bổ sung điều kiện về thời gian cư trú và chỗ ở đối với một số đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên.
Việc xử phạt vi phạm hành chính, Luật được thông qua cho phép HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn không quá 2 lần đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong 3 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng.
Biểu tượng của Thủ đô là Khuê Văn Các
Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua điều 6 của dự án Luật, quy định biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đồng thời, tán thành quy định về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô để tặng cho đối tượng là người nước ngoài.
Dự án Luật được thông qua cũng làm rõ, chặt chẽ hơn loại cơ sở phải di chuyển toàn bộ khỏi nội thành, loại cơ sở bị cấm xây dựng mới, mở rộng quy mô... Bổ sung quy định thiết lập không gian cảnh quan khu vực hai bên bờ Sông Hồng trong việc xây dựng, quy hoạch Thủ đô. Bổ sung quy định về việc phát triển văn hóa, các giá trị tinh thần, coi trọng cả văn hóa vật thể và phi vật thể; bổ sung một số di tích, danh lam thắng cảnh cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, tôn tạo như Thành Cổ Loa, làng nghề truyền thống tiêu biểu.... Bổ sung quy định để phát triển hệ thống khoa học, công nghệ đồng bộ, huy động tối đa sự tham gia, phối hợp của các tổ chức khoa học công nghệ. Đồng thời, bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Dự thảo Luật cũng thể hiện rõ hơn tính đặc thù về quản lý đất đai hoạch định chính sách phải ở tầm nhìn xa hơn, dài hạn hơn ở Thủ đô; về quản lý quy hoạch đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, giữ được cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của Thủ đô.
Theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về yêu cầu về bảo đảm các quy định của Luật Thủ đô phù hợp với quy định của Hiến pháp, làm rõ mối quan hệ giữa Luật Thủ đô với Luật đô thị và Luật quy hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát và thể hiện trong các quy định của Luật Thủ đô. Tuy dự thảo Luật Thủ đô có một số quy định liên quan đến Luật đô thị và Luật quy hoạch như vấn đề quy hoạch, cải tạo và chỉnh trang đô thị, xây dựng và quản lý các công trình đô thị, nhưng phạm vi điều chỉnh của các Luật này có sự khác nhau.