Với 88,19% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua, chiều 12/6.
Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý Nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.
|
Với 88,19% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội thông qua. |
Việc thực hiện phải bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.
Luật quy định thương nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam có quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), quyền này không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu; quyền tổ chức hoặc tham gia hệ thống phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
Về quản lý hoạt động nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (Điều 51), “cấm nhận gia công hàng hóa đối với hàng hóa thuộc các trường hợp được nêu trong Khoản 1 Điều 41 của Luật này để ngăn ngừa trường hợp thương nhân lợi dụng nhận gia công để đưa các hàng hóa độc hại vào gia công tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của con người”.
Trong quản lý ngoại thương, một số hành vi bị nghiêm cấm là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục; Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.
Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem…
Trao đổi về tính thực tiễn của Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, chúng ta ban hành những quy định phù hợp với Quốc tế về phòng vệ thương mại và những rào cản tiêu chuẩn kĩ thuật để đảm bảo thị trường trong nước. Đây là những vấn đề mà từ trước đến nay Việt Nam còn yếu. Các vụ kiện thương mại gần đây cho thấy chúng ta có chính sách phòng vệ tạm thời để đợi tòa án các nước. Nhiều nước trên thế giới có hệ thống phòng vệ mạnh, chặt chẽ như việc kiện doanh nghiệp bán phá giá, bảo trợ doanh nghiệp trong nước. Luật sẽ có cơ chế linh hoạt để khai thác tối đa phát triển nguồn lực cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài trước nhu cầu hội nhập sâu rộng với kinh tế giới, bảo vệ phù hợp hợp pháp lợi ích nền kinh tế. Các biện pháp quản lý, cấp phép hàng hóa XNK, các trường hợp bị cấm, tạm dừng hay hạn chế XNK, các quy định về kiểm tra chuyên ngành trước thông quan..., tất cả những quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu này, doanh nghiệp đều có thể tìm thấy tại Luật Quản lý Ngoại thương.