Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

Như Hương-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 16/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) với 100% đại biểu tán thành. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Sau khi nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật này. Luật được thông qua với 100% đại biểu Quốc hội tham gia bảo quyết tán thành.
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết
Đối với sửa đổi, bổ sung Điều 30 về thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính và tiếp cận thông tin người nhiễm HIV. Luật quy định, người đứng đầu cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này có trách nhiệm thực hiện việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người sau đây: Người được xét nghiệm; Vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; Người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm; Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; người được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; Người đứng đầu, điều dưỡng viên trưởng của khoa, phòng, đơn vị khác của cơ sở y tế có người nhiễm HIV được điều trị; nhân viên y tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại cơ sở y tế; Người đứng đầu, người phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác; Người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao trách nhiệm của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Luật quy định, người được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV bao gồm: Người quy định tại điểm d khoản 2 Điều này; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; Người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV; Người được người nhiễm HIV đồng ý cho phép tiếp cận thông tin của chính người nhiễm HIV.
Đối với sửa đổi, bổ sung Điều 36 về điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV, Luật quy định người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV được tư vấn, điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV. Ưu tiên tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho các đối tượng được quy định tại các điểm b, c, d, đ, e và g khoản 2 Điều 11 của Luật này. Người bị phơi nhiễm với HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do rủi ro của kỹ thuật y tế được tư vấn, điều trị dự phòng lây nhiễm HIV và được hưởng các chế độ quy định tại Điều 46 của Luật này.
Đối với sửa đổi, bổ sung Điều 43 về nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS, Luật quy định nguồn tài chính gồm: Ngân sách nhà nước; Quỹ bảo hiểm y tế; Chi trả của người sử dụng dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS; Nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, cho, biếu, tặng của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; Các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Đối với sửa đổi, bổ sung Điều 45 về chế độ, chính sách đối với người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV, Luật quy định, người trực tiếp làm xét nghiệm HIV, quản lý, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác được ưu tiên trang bị phương tiện, dụng cụ cần thiết để phòng lây nhiễm HIV, hưởng các chế độ phụ cấp nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, toàn bộ tài sản, tài chính của Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV được sử dụng để hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với Quỹ ở Trung ương và theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Quỹ ở địa phương./.