Trong phiên thảo luận hôm qua, đã có 43 đại biểu Quốc hội của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung như "Lời nói đầu" của Hiến pháp; tên nước; chế độ chính trị, kinh tế; vai trò, vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; Nhà nước thu hồi đất; nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, chính quyền địa phương, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Hội đồng Hiến pháp…
Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đồng bào và cử tri cả nước cùng theo dõi.
Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 (ngày 20/5/2013), Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Trên cơ sở ý kiến của Quốc hội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã tiếp thu, hoàn chỉnh bản Dự thảo Hiến pháp công bố lấy ý kiến nhân dân từ ngày 2/1/2013.
Sau 4 tháng triển khai, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tiến hành lấy ý kiến nhân dân một cách khẩn trương, đồng bộ, dân chủ, rộng khắp và đúng tiến độ theo Nghị quyết số 38/2012/QH13.
Theo báo cáo của các cơ quan, tổ chức, tính đến hết ngày 30/4/2013, đã có hơn 26 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, toạ đàm được tổ chức.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã tập hợp, tổng hợp đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực ý kiến nhân dân. Qua đó, phân loại và hệ thống hoá thành những loại ý kiến, nhóm vấn đề nổi lên và đề xuất các phương án trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.