Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy chế thi THPT quốc gia năm 2016: Nhiều bất cập được khắc phục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chế thi THPT quốc gia 2016 với những điều chỉnh, bổ sung sau khi tiếp thu những ý kiến đóng góp từ chuyên gia, nhà giáo..., được đánh giá là tạo thuận lợi và công bằng cho thí sinh (TS), vấn đề chỉ còn nằm ở khâu tổ chức thực hiện để có hiệu quả cao.

Siết kỷ luật, tăng giám sát

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo một số trường đại học (ĐH) và phổ thông, Quy chế thi đã hoàn thiện hơn công tác tổ chức thi. Trong đó, coi thi được coi là khâu trọng yếu, tiếp tục được lưu tâm bằng các quy định siết chặt kỷ luật phòng thi, tăng cường lực lượng giám sát.
Làm thủ tục trước khi vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Hà Nội.  	Ảnh: Phạm Hùng
Làm thủ tục trước khi vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, mỗi cán bộ giám sát được giao trọng trách giám sát tối đa 7 phòng thi, thay vì 10 phòng thi trước đây. Nhiệm vụ của cán bộ giám sát cũng nặng hơn, không chỉ thực hiện chức trách của cán bộ tại điểm thi, tuân thủ quy chế của TS, mà còn giám sát cả những TS được cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi… Hơn thế, ông Ngô Văn Chất – Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Nội còn đưa ra dẫn chứng, kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở phối hợp với các trường ĐH tổ chức coi thi, nhưng lại không cụ thể. Năm nay, để siết chặt quy chế, tạo sự bình đẳng cho TS, Bộ đã quy định rất rõ ràng, cụ thể. Ở mỗi cụm thi, điểm thi bao nhiêu giám thị của trường ĐH, bao nhiêu cán bộ của Sở. Những vướng mắc của kỳ thi trước cũng đã được điều chỉnh.

Ngoài ra, năm nay còn thêm một quy định liên quan đến kỷ luật phòng thi là các chế tài xử phạt. Nếu năm ngoái, TS vi phạm quy chế thi môn nào, nhận điểm 0 môn đó, nhưng năm nay, ngoài bị điểm 0 môn thi bị đình chỉ, TS không được tiếp tục dự thi các môn tiếp theo, không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Quy định này nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh, học sinh. Đặng Duy Tuấn - học sinh trường THPT Yên Viên (huyện Gia Lâm) cho biết, nhiều bạn trong lớp đồng tình với quy định bổ sung này, bởi “Kỳ thi nghiêm túc, khách quan sẽ tạo công bằng cho mỗi TS" – Tuấn chia sẻ.

Đồng tình với những điều chỉnh trong quy chế thi, Ông Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), khẳng định: Giáo dục lâu nay có tình trạng chạy theo thành tích, nên giao cho các địa phương tổ chức thi sẽ vẫn có sự ngờ vực của xã hội là chưa nghiêm túc, chính xác. Vì vậy, tổ chức cụm thi chỉ xét tốt nghiệp, cụm thi ĐH có sự phối hợp chặt chẽ giữa các trường ĐH và địa phương sẽ khách quan, an lòng dư luận hơn.

Băn khoăn xét tuyển trực tuyến

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia 2015, tại kỳ thi 2016, mỗi TS chỉ được nhận một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất để đăng ký xét tuyển trong các đợt xét tuyển (năm ngoái mỗi TS được nhận 4 giấy chứng nhận). Đặc biệt, năm nay, Bộ GD&ĐT không còn "độc quyền" công bố điểm thi, mà để cho các hội đồng thi chủ động. Tuy nhiên, các Hội đồng thi công bố kết quả thi sau khi chuyển dữ liệu kết quả về Bộ GD&ĐT và hoàn thành việc đối chiếu giữa dữ liệu kết quả thi gửi về Bộ GD&ĐT với dữ liệu kết quả thi lưu tại Hội đồng thi.

Song, điểm mới khiến nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn là tại thông báo ngày 3/2/2016, Bộ GD&ĐT chỉ quy định 2 hình thức đăng ký xét tuyển: Qua bưu điện và trực tuyến. Việc đăng ký theo 2 hình thức này có thể hiểu là nhằm tránh tình trạng phụ huynh, TS đổ về trường quá nhiều ở cùng một thời điểm gây lộn xộn, quá tải như đã từng xảy ra tại kỳ thi năm trước. Song ông Lý Văn Tuấn - phụ huynh học sinh trường THPT Quang Trung (quận Đống Đa) thắc mắc, ngoài 2 hình thức trên, TS có thể đến nộp phiếu đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường hay không? Vì TS ở Hà Nội đăng ký xét tuyển tại trường ĐH ở Hà Nội, mà gửi qua đường bưu điện e rằng không phù hợp. “Các em sẽ nộp lệ phí đăng ký xét tuyển ra sao? Nếu xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi đăng ký trực tuyến, hoặc thất lạc khi gửi bưu điện, ai chịu trách nhiệm?” - ông Tuấn đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, vấn đề cần quan tâm là phải có cách để TS kiểm tra được đã đăng ký xét tuyển thành công hay chưa; Hồ sơ đăng ký có đến đúng địa chỉ không; Việc đăng ký đã đúng với yêu cầu? Trong trường hợp phát hiện sai sót, có nguyện vọng bổ sung, điều chỉnh thì liên hệ với ai, ở đâu, bằng cách nào? Nếu giải quyết được điều này, chắc chắn các TS sẽ bớt đi nhiều lo lắng không đáng có vào thời điểm này để tập trung ôn tập.