Quy chuẩn kỹ thuật nhà chung cư: Nhiều điểm chưa phù hợp

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy chuẩn kỹ thuật nhà chung cư cao tầng được ra đời để bảo đảm các tiêu chí về cấu trúc an toàn cho người sử dụng, nhưng theo đánh giá, những quy định này vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện thực tế, gây khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả DN và người dân.

 Một khu nhà ở chung cư tại Nam Trung Yên. Ảnh: Thanh Hải
Nhiều bất cập
Phó Tổng Giám đốc Videc Group Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hiện nay trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật về nhà chung cư phần lớn vẫn đang áp dụng các tiêu chuẩn về nhà ở cao tầng và trụ sở cơ quan, để quản lý các công trình trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, hay chung cư kết hợp với văn phòng. “Trong khi đó, các công trình cao tầng tổ hợp chức năng đang phát triển mạnh mẽ về số lượng tại các đô thị. Việc áp dụng chung về quy chuẩn dẫn đến thiếu những quy định phù hợp đối với các công trình cao tầng như hiện nay” – ông Dũng nhìn nhận.
Khảo sát nhiều tòa chung cư ở Hà Nội cho thấy, có khá nhiều tiêu chuẩn không đạt được. Có thể kể đến, như: Chung cư mini Bồ Đề (quận Long Biên), Tòa nhà văn phòng cho thuê và để ở số 88 Tô Vĩnh Diện (Thanh Xuân), Tòa nhà chung cư cao tầng số 46/230 Lạc Trung (Hai Bà Trưng), Tòa nhà chung cư 89 Phùng Hưng – Phúc La (Hà Đông), Nhà chung cư 30 tầng BMM Xa La (Hà Đông)… đều không đáp ứng quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư - PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cho biết, hiện nay các quy chuẩn về nhà chung cư tập trung vào một số nội dung, như: Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, mật độ cây xanh, khoảng lùi, khoảng cách giữa các nhà cao tầng, khoảng cách ly vệ sinh, an toàn, phòng chống cháy…
“Nhưng việc không có thống kê và phân loại riêng nhà cao tầng, mà chỉ được quản lý theo quy trình đầu tư xây dựng cơ bản thông thường, làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông đô thị”- PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhìn nhận.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Theo đánh giá, việc xây dựng các chung cư hỗn hợp cao tầng trong khu vực nội thành còn tồn tại nhiều bất cập liên quan đến lợi ích của nhà đầu tư; không chú trọng đến môi trường, cảnh quan đô thị, xây dựng sát chỉ giới đường đỏ, không khớp nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật… hay những yếu tố về tổ chức mặt bằng, số chỗ đậu xe ô tô, cầu thang, thang máy…
KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội KTS Việt Nam cho biết, kinh nghiệm từ Singapore sẽ mang lại nhiều bài học quý cho Việt Nam. “Đơn cử, quy chuẩn về chỗ để xe tại Singapore được quy hoạch ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư để bảo đảm an toàn cháy nổ. Chúng tôi đề nghị bổ sung vào dự thảo quy chuẩn Việt Nam, nội dung khuyến khích xây dựng chỗ để xe ở khu vực riêng ngoài tòa nhà chung cư, tại những dự án có điều kiện về mặt bằng” – ông Thanh cho hay.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS Hoàng Quang Huy cho rằng, chung cư vẫn là nơi cư trú phổ biến nhất tại các đô thị trong tương lai. Do đó, cần có hệ thống văn bản luật về thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng chung cư, nhà cao tầng chặt chẽ.
“Ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập), chính quyền TP thành lập hàng trăm tổ giám sát về quy chuẩn kỹ thuật của các tòa nhà chung cư đang xây dựng. Khi được đưa vào sử dụng, những tổ giám sát này tiếp tục hoạt động để theo dõi mức độ an toàn và hướng dẫn cư dân sinh sống tại các chung cư trong việc bảo đảm an toàn” – ông Huy cho biết.
Để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong thiết kế, xây dựng nhà chung cư cao tầng, các cơ quan quản lý cần phải hoàn chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đối với các công trình cao tầng, các quy định phải tiệm cận với yêu cầu thực tế, làm rõ những yêu cầu cần quản lý và phải có những chính sách phù hợp của Nhà nước và chính quyền địa phương.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển đô thị - Thạc sĩ Trần Thanh Ý

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần