Vay ngoại tệ chờ quy định mới

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 10 tháng đầu năm, cho vay ngoại tệ đã tăng 11,5% so với cuối năm 2016, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2016 chỉ là 4,4%.

Lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn tiền đồng cộng với nhu cầu nhập khẩu (NK) cuối năm là lý do tín dụng ngoại tệ tăng cao.
Hấp dẫn vì lãi suất thấp

Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Công ty Hải Trang, KCN Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết: “Là DN xuất khẩu trong lĩnh vực nhựa, Công ty có điều kiện để vay USD bởi có nguồn thu về bằng ngoại tệ. Vì thế, chúng tôi sử dụng nguồn vốn vay bằng ngoại tệ để tiết kiệm chi phí vốn vay. Hiện, Công ty vay vốn bằng ngoại tệ (ngắn hạn) chỉ với lãi suất khoảng 3%/năm, trong khi nếu vay tiền đồng, lãi suất cao hơn gấp đôi, gấp ba…".

Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh:  Thanh Hải

Tâm lý chung của DN vẫn thích vay USD hơn tiền đồng vì lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn. Theo Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhu cầu vay ngoại tệ của các DN đang tăng nhanh. Thứ nhất là nhu cầu NK gia tăng và thứ hai là tận dụng điều kiện tỷ giá ổn định nhằm tái cơ cấu khoản nợ. Về phía các ngân hàng, cho vay bằng ngoại tệ mang lại mức chênh lệch đầu vào - ra cao hơn nhiều so với cho vay bằng tiền đồng. “Trước đây, ngân hàng thường tập trung vào các hoạt động kinh doanh chính, nhưng khi lãi biên cho vay tiền đồng ở tình trạng khá mỏng như hiện tại, chúng tôi buộc phải tính toán tối ưu hóa các nguồn vốn”, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.

Doanh nghiệp phấp phỏng

Theo diễn biến của những năm trước đây, càng về cuối năm nhu cầu vay ngoại tệ sẽ càng tăng mạnh để đáp ứng các hoạt động NK hàng hóa, nguyên vật liệu chuẩn bị cho mùa cao điểm kinh doanh. Do đó, với tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ đã ở mức cao đáng kể trong 10 tháng qua, nếu như trong quý IV, tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng nhanh theo các nhu cầu NK thì rủi ro tiềm ẩn sẽ tăng lên là tất yếu và đồng thời gây áp lực lên tỷ giá.

Theo Thông tư 31/2017 về cho vay bằng ngoại tệ, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đối với khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/12/2017. Như vậy, chỉ còn chưa đến 2 tháng, Thông tư này sẽ hết hiệu lực, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không gia hạn thì DN xuất khẩu sẽ hết cơ hội được hưởng chính sách vay ưu đãi này. Hiện, NHNN vẫn chưa có thông báo mới về vấn đề này. Vì thế, việc có tiếp tục cho vay ngoại tệ hay không đáng rất được cộng đồng DN quan tâm.

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng, thực tế thì nguồn ngoại tệ được gửi tại các ngân hàng trong nước chủ yếu là kỳ hạn ngắn. Từ khi trần lãi suất huy động USD giảm xuống còn 0% thì hầu hết khách hàng, DN đã chuyển sang gửi không kỳ hạn. Do đó, việc tài trợ cho các nhu cầu vay trung, dài hạn của các DN là rất khó vì các ngân hàng có thể sẽ gặp phải rủi ro về kỳ hạn. Bên cạnh đó, nguồn vốn ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong nước cũng không đáp ứng nhu cầu vay của các DN.

Ông Lực cho rằng, hiện nay, trong 4 nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì chỉ một nhóm thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ, đó là với trường hợp DN chỉ muốn vay ngoại tệ, sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao. Do đó, trước mắt có thể siết lại đối tượng vay, đưa vốn ngoại tệ đến đúng địa chỉ để giảm thiểu rủi ro.

Còn theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cần có quy định cụ thể, thay vì cấm hẳn các DN có nhu cầu vốn chính đáng. Vì nếu không được vay ngoại tệ nữa, chắc chắn DN sẽ phải vay tiền đồng, đẩy nhu cầu tiền đồng tăng lên, mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ tăng, nhất là những ngân hàng gặp khó trong thanh khoản.

NHNN nên có chính sách phù hợp với từng loại hình DN. DN xuất khẩu cũng cần mua nguyên vật liệu trong nước để sản xuất. Nếu bắt chúng tôi phải vay VND để mua nguyên liệu trong nước, trong khi chúng tôi cũng có nguồn thu từ ngoại tệ liệu có lãng phí thời gian và giảm sức cạnh tranh của DN không? 

Ông Nguyễn Thanh Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần