Giảm thiệt thòi cho nông dân mất đất
Cuối tuần qua, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo đóng góp xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi). Theo Bộ TN&MT, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới, khi thực hiện dự án, chủ đầu tư phải bố trí tái định cư trước cho người dân.
Luật quy định rõ các nguyên tắc Bồi thường, các khoản được bồi thường như: bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại về tài sản gắn liền với đất, thiệt hại về sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất.
Trường hợp diện tích đất vườn, ao bị thu hồi vượt quá 5 lần hạn mức giao đất ở tại địa phương, phần diện tích vượt quá cũng được hỗ trợ bằng tiền từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp.
Phương án Nhà nước thu hồi đất rồi bán đấu giá cho chủ đầu tư là công bằng, khách quan nhất. Ảnh: Tuấn Anh
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, người dân nhận bồi thường giá đất nông nghiệp chưa sát giá thị trường như quy định. Trong khi số tiền hỗ trợ thêm từ 1,5 - 5 lần giá đất nông nghiệp lại không đến được tay nông dân. Nhiều nơi ở Đồng Nai, đất nông nghiệp đã rơi vào tay các nhà đầu tư ở TP Hồ Chí Minh nên khi triển khai bồi thường, số tiền hỗ trợ trên lại rơi vào tay các nhà đầu tư. "Tiêu chí nào để chọn hỗ trợ thêm 1,5 đến 5 lần? Hiện những vùng giáp ranh của các địa phương có các mức hỗ trợ khác nhau dẫn đến việc so bì, thắc mắc của người dân" - ông Hoàng Cường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai băn khoăn.
Cơ chế thỏa thuận bồi thường cũng là nội dung được nhiều địa phương góp ý. Đa số ý kiến cho rằng, phương án Nhà nước thu hồi đất rồi bán đấu giá cho chủ đầu tư là công bằng, khách quan nhất. Không nên có hai chính sách bồi thường giữa dự án công và dự án tư. Cần tăng tiền đền bù cho người dân mới có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận, thời gian qua, rất nhiều giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo kiểu "giấy viết tay" nên khi xác định bồi thường rất khó. Quy định mới buộc phải nộp tiền sử dụng đất, sang tên mới đền bù. Việc hỗ trợ sẽ tùy đối tượng, chứ không thể cào bằng như nhau.
Đất lúa, đất rừng, phải báo cáo Thủ tướng
Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, việc thu hồi đất hiện vẫn được thực hiện theo 2 cơ chế: theo chỉ định của chủ đầu tư và theo quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều địa phương không có kinh phí nên phải nhờ chủ đầu tư ứng vốn đền bù, việc thu hồi vẫn chủ yếu theo chỉ định của chủ đầu tư.
Hiện nay, nếu muốn được giao đất, cho thuê đất, chủ đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu: Có năng lực tài chính, phải ký quỹ, nếu không thực hiện dự án sẽ không hoàn trả lại tiền.
Nếu trước đó chủ đầu tư có vi phạm, sẽ kiên quyết không giao dự án mới. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: "Các dự án phát triển kinh tế - xã hội, có thu hồi đất hay không phải do HĐND quyết định chứ không phải UBND.
Một số loại đất lúa, đất rừng phải trình Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng một số tỉnh cắt đất tràn lan ở những khu vực nhạy cảm cho nước ngoài thuê. Riêng với đất lúa, phải làm chặt hơn, trước khi chấp nhận chủ trương đầu tư, phải báo cáo Thủ tướng.
Khi nhà đầu tư vào phải có phương án bóc lớp đất mặt, nộp tiền để Nhà nước khai hoang khu vực khác. Nhà đầu tư phải cân nhắc xem sử dụng đất lúa hay đất đồi, nếu thấy chi phí lớn quá, họ sẽ xin chuyển vị trí khác. Như thế, chúng ta mới bảo vệ được đất lúa".
Bảng giá đất công bố của các địa phương chỉ bằng 30 - 60% so với giá thị trường. Chính vì vậy, khi áp dụng để tính toán nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất đai đã gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu dùng mức giá đó để tính giá bồi thường, người bị thu hồi đất lại không đồng ý, phát sinh khiếu kiện và ảnh hưởng đến việc GPMB. Để hạn chế tình trạng trên, bảng giá đất hiện chỉ được dùng để tính thuế, phí. Khi tiến hành bồi thường, phải căn cứ vào từng loại đất đang sử dụng.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển - Thứ trưởng Bộ TN&MT
|