Công khai tài sản tránh hình thức
Vấn đề công khai tài sản là một trong những nội dung được các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận. Theo dự thảo Luật, trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú. Mặt khác, việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: TTXVN
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo Luật cho rằng, cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đánh giá quy định như dự thảo Luật vẫn còn mang tình hình thức.
Quy định dự thảo Luật đưa ra về việc tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với người có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ cho việc xác minh làm rõ hành vi tham nhũng không nhận được sự đồng tình của UBTVQH.
Chưa xác định rõ trách nhiệm
Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng cũng là một vấn đề được đưa ra. Ngay dự thảo Luật sửa đổi lần này, có những quy định còn chung, chưa rõ ràng nên rất dễ triệt tiêu hiệu quả của nhau. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận xét: Việc thực hiện quy định này lâu nay còn gặp lúng túng, ở một số nơi chưa thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là trong Luật chưa quy định rõ căn cứ, cơ sở xác định trách nhiệm.
Trên thực tế, việc thực hiện các quy định này dường như là một nghịch lý, thủ truởng cơ quan quản lý Nhà nước càng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để phát hiện được càng nhiều hành vi tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức mình thì người đó lại càng phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra nhiều hành vi tham nhũng trong phạm vi thẩm quyền do mình quản lý. "Do đó, việc bao che, che giấu hành vi tham nhũng rất khó tránh khỏi mặc dù trong dự thảo Luật đã có quy định "người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý… nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết, ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng" - ông Nguyễn Văn Hiện phân tích.
Tại buổi thảo luận, các ý kiên cũng đồng tình với phương án của dự thảo Luật đưa ra là Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư trực thuộc Bộ Chính trị và do Tổng Bí thư làm Trưởng ban, để bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo.