Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy định sai luật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quy định "Không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào" mà Bộ GD&ĐT đã ban hành trong Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.

 Nhiều ý kiến cho rằng, việc hạn chế quyền cung cấp thông tin vi phạm quy chế thi của Bộ là ngược với tinh thần khuyến khích tố cáo tiêu cực theo Luật Tố cáo. Ngay cả người trong cuộc là hiệu trưởng các trường cũng nhận thấy quy định này "có vấn đề".

Vô lý?

Bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được Bộ GD&ĐT quy định người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi chỉ được gửi cho cơ quan có thẩm quyền trong vòng 7 ngày kể từ khi kết thúc ngày thi cuối cùng để xử lý. Cụ thể là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT T.U hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) và Thanh tra giáo dục các cấp.

Quy định sai luật - Ảnh 1

Nộp đơn thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Ảnh: Nguyễn Hợp

Phân tích quy định này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc cho phép các thí sinh (TS) cũng như người dân có thể tự mình giám sát của Bộ là quan điểm đúng. Tuy nhiên, Bộ mở "đầu vào" nhưng lại yêu cầu thắt chặt "đầu ra" thì lại vô lý dù được lý giải là để hạn chế thông tin chưa chính xác và đảm bảo quy trình xử lý... "Những thông tin chống tiêu cực nếu không cho công khai với báo chí thì ai sẽ là người giám sát việc thực thi và kết quả xử lý bao giờ mới được công bố?"- ông Lâm đặt vấn đề. Thầy Đỗ Việt Khoa, người đã từng tố cáo những hành vi tiêu cực trong thi cử cũng cho rằng, quy định này giống như một cách che giấu sai phạm của ngành với dư luận.

Trước phản ứng của dư luận cho rằng, Bộ GD&ĐT đã đi ngược với tinh thần khuyến khích tố cáo tiêu cực như mục đích ban đầu của việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào trong phòng thi, lãnh đạo Bộ đã từ chối đưa ra lời giải thích. Tuy nhiên, nhìn lại vụ tiêu cực ở trường THPT dân lập Đồi Ngô làm "nóng" trường thi năm 2012 từ những clip được công khai trên mạng đã dẫn tới nhiều trường hợp bị cách chức, nghỉ việc, sẽ thấy Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã từng nhắc tới việc không nên phát tán clip vì cho rằng điều này gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan chức năng, đồng thời ảnh hưởng không tốt tới nhận thức và suy nghĩ của người xem, nhất là học sinh nhỏ tuổi.

Đề xuất gắn camera trong phòng thi

"Với quy định cho phép TS mang một số vật dụng có chức năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi, cá nhân tôi với vị trí là một người quản lý, tham gia tổ chức kỳ thi, có tâm lý khá căng thẳng. Chủ tịch Hội đồng thi cùng các giám thị sẽ phải đảm bảo sao cho các phòng thi đều thực hiện đúng quy chế, tránh phát sinh vụ việc lộn xộn. Ngoài ra, cũng cần tính đến khả năng ai đó lợi dụng quy định này để phục vụ mục đích cá nhân với can thiệp bằng những kỹ thuật công nghệ hiện đại để đưa ra thông tin thiếu chính xác". 
Bà Nguyễn Thị Nhiếp Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú

Đề xuất gắn camera trong phòng thi lại được nhiều người đưa ra nhằm giải quyết việc giám sát các kỳ thi quốc gia, đảm bảo tính nghiêm túc một cách hợp lý. TS Tùng Lâm cho rằng: Mục đích xây dựng một kỳ thi nghiêm túc được thể hiện qua việc cho thí sinh mang máy ghi âm, camera ghi hình của Bộ là cách làm chưa dựa trên cơ sở khoa học. Đứng ở vị trí nhà giáo thì điều này còn làm giảm giá trị nhân văn. "Bộ GD&ĐT chưa lường hết vấn đề phát sinh với quy định này như giám thị không kiểm soát đâu là phương tiện được phép mang vào phòng thi để ghi âm, ghi hình mà không truyền phát thông tin. Quan trọng hơn nữa là cách làm này không mang tính giáo dục. Một điều nữa là việc ghi âm, ghi hình người khác sẽ dẫn đến khả năng không an toàn đối với người thực hiện vì phát sinh mâu thuẫn" - ông Lâm phân tích.

Vì vậy, lắp camera tại tất cả các phòng thi theo ông Lâm là biện pháp phù hợp: "Nếu áp dụng biện pháp này, TS và giám thị chỉ cần tập trung làm nhiệm vụ của mình mà không phải lo người khác giám sát tiêu cực. Sau buổi thi, nếu TS phản ánh có tiêu cực thì đã có đầy đủ tư liệu để Hội đồng thi kiểm tra lại thông tin". Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú cho rằng: "Các phòng thi đều có camera ghi hình và đã có những TS do chính các thầy cô giáo phát hiện mang tài liệu vào phòng thi. Cách làm này theo tôi rất khoa học và khách quan, cần sớm triển khai với những kỳ thi đòi hỏi tính nghiêm túc cao như thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH sắp tới".