Quy định vaccine Covid-19 gây tranh cãi trước thềm phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 để có thể tới tham dự và phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần tới.

Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải tiêm vaccine Covid-19 khi tham dự và phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) vào tuần tới, lãnh đạo hội đồng và các quan chức TP New York cho biết trước thềm sự kiện. Tuy nhiên quy định này được cho đã bị ít nhất một quốc gia phản đối.
 Lần đầu tiên phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc được tổ chức trực tiếp trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: AP
 Ủy viên phụ trách các vấn đề quốc tế của thành phố New York - Penny Abeywardena khẳng định trong một bức thư gửi Hội đồng vào tuần trước rằng hội trường sẽ là "trung tâm hội nghị" và do đó quan chức các nước phải tuân thủ quy định tiêm chủng của TP.  
“Chúng tôi tự hào tham gia vào những nỗ lực để giữ cho mọi người tham dự phiên họp của Liên Hợp Quốc và người dân New York an toàn trong đại dịch,” bà Penny và Thị trưởng Bill de Blasio cho biết trong một tuyên bố hôm 15/9. Đồng thời bổ sung rằng thành phố New York sẽ cung cấp vaccine miễn phí – Johnson & Johnson một mũi duy nhất – cũng như triển khai xét nghiệm bên ngoài trụ sở Liên Hợp quốc trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Trước quy định này, Ngoại trưởng Maldives – Chủ tịch khóa 76 ĐHĐ LHQ Abdulla Shahid cho biết sẽ tuân thủ quy định, trong một bức thư gửi hôm 14/9 và gọi đây là “một bước quan trọng trong việc khôi phục một Đại hội đồng đầy đủ chức năng”.
Tuy nhiên, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia cho rằng quy định bắt buộc tiêm vaccine Covid-19 là hành vi "phân biệt đối xử rõ ràng" đối với quyền của các quốc gia tại Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi tin rằng những biện pháp phòng ngừa hợp lý sẽ không ngăn cản các quốc gia thành viên tham gia cuộc họp ở Đại hội đồng”, ông viết gửi Chủ tịch Shahid trong một bức thư hôm 15/9 do AP đăng tải.
Đại sứ Nga yêu cầu Hội đồng họp khẩn để thảo luận về vấn đề này, đề cập đến các trường hợp không thể tiêm chủng vì lý do y tế và những người đã có kháng thể sau khi phục hồi từ Covid-19. Ông Nebenzia cũng đề cập đến những người đã tiêm vaccine chưa được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận - tiêu chí của thành phố để phê duyệt việc tiêm chủng.
Cho đến nay, WHO đang xem xét vaccine Sputnik V của Nga nhưng chưa phê duyệt.
Bức thư của TP New York gửi lên ĐHĐ thể hiện một nỗ lực hiếm hoi nhằm thảo luận các quy định của Liên Hợp Quốc.
Theo thỏa thuận năm 1947 giữa LHQ và Hoa Kỳ, cơ quan này có quyền tự quyết cao - cảnh sát và các quan chức Mỹ được yêu cầu tuân thủ các quy tắc riêng của LHQ, trong khi luật liên bang, tiểu bang hoặc địa phương sẽ trở nên vô hiệu nếu mâu thuẫn với các quy tắc của LHQ. 
Theo Phát ngôn viên của thị trưởng TP New York - ông Mitch Schwartz, hiện chưa rõ việc triển khai quy định tiêm chủng, và điều này tùy thuộc vào Liên hợp quốc. Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, lưu ý rằng Hội đồng có thẩm quyền đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến các đại biểu nhưng cho biết cơ quan này sẽ cùng vào việc để thực hiện các quyết định đó.
Hiện chưa có thống kê về số nhà lãnh đạo và các phụ tá sẽ tham dự phiên họp ở LHQ đã tiêm vaccine Covid-19. Ước tính có khoảng 104 nguyên thủ quốc gia và chính phủ cùng 23 bộ trưởng dự định trực tiếp phát biểu tại phiên họp.
Trong kỳ họp năm ngoái diễn ra theo hình thức trực tuyến, các nguyên thủ buộc phải phát biểu qua video.
Lần này, mỗi nguyên thủ và lãnh đạo trực tiếp tham dự hội nghị tại trụ sở Liên Hợp quốc cũng chỉ được phép có 6 người theo họp, trong đó có 4 người vào Hội trường. LHQ yêu cầu tất cả nhân viên của mình tại Hội nghị phải tiêm chủng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần