Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), nhiều huyện trên địa bàn TP đã định hướng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhằm nâng cao hiệu quả canh tác và tăng thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, tới nay, việc triển khai các mô hình sản xuất này vẫn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Chậm và vướng
 
Tại xã Tàm Xá, Đông Anh, thu nhập của người dân chủ yếu từ nông nghiệp. Mặc dù xã có điều kiện thuận lợi với đồng đất phù sa màu mỡ từ sông Hồng bồi đắp, nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn khá manh mún, nhỏ lẻ.
 
Ngoài chăn nuôi bò sữa với 40 hộ dân, tổng đàn 150 con, xã Tàm Xá chưa có mô hình sản xuất nào đem lại hiệu quả rõ rệt. "Do sản xuất nhỏ nên thu nhập của đại bộ phận người dân ở xã vẫn còn thấp" - ông Hoàng Hữu Vân, Chủ tịch UBND xã Tàm Xá trăn trở.Tương tự, xã Hồng Dương, xã điểm NTM của huyện Thanh Oai cũng chưa có nhiều đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
 
 
Quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh - Ảnh 1

Chăn nuôi bò sữa theo hướng hàng hóa ở huyện Ba Vì.  Ảnh: Văn Thắng
 
 
Toàn xã có 2.535 hộ sản xuất nông nghiệp với diện tích trên 650ha. Mặc dù từ năm 2010, xã đã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, song theo Chủ tịch UBND xã Hồng Dương Đỗ Quyết Thắng, việc tổ chức sản xuất cho các mô hình điểm theo hướng hàng hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư, kỹ năng quản lý và đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế.
 
Qua khảo sát cho thấy, tại nhiều xã  trên địa bàn TP, việc triển khai các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa còn chậm do vướng mắc từ khâu quy hoạch. Ông Chu Đại Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, tại địa bàn huyện, phần lớn diện tích đất nông nghiệp nằm trong các quy hoạch chờ thu hồi đất nên quá trình đầu tư phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn.
 
Gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp
 
Hiện nay, mặc dù trên địa bàn TP đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tuy nhiên quy mô chưa thực sự lớn và số lượng sản phẩm còn ít. Theo yêu cầu của Chương trình xây dựng NTM, việc phát triển các vùng nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.
 
Để làm được điều này, nhiều huyện kiến nghị TP cần xây dựng kế hoạch ổn định trong quy hoạch và sử dụng đất đai. Trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.
 
Theo Bà Lê Thị Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Oai, để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển các vùng sản xuất hàng hóa, TP cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể sử dụng đất chuyển đổi mô hình canh tác và kinh tế trang trại. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất.
 
Cùng với đó, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân cho biết, ngành nông nghiệp TP sẽ tích cực, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Nhưng tại những nơi có tính chất thuần nông, các huyện cần quan tâm đẩy mạnh triển khai các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, để cho thu nhập gấp từ 10 - 20 lần so với hiện nay.

Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nông nghiệp Thủ đô sẽ được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 231 triệu đồng/ha.