Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là một trong sáu vấn đề trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI). Ảnh: vov.vn
Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI xác định thực hiện quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược của đất nước là một trọng tâm và vô cùng cần thiết. Từng bước trong chương trình hoạt động của Đảng cũng như từng cấp, từng ngành, từng địa phương đều phải xúc tiến việc quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cho phù hợp.
Có nhiều biện pháp để thực hiện công tác quy hoạch cán bộ chiến lược đạt kết quả, có tính khả thi, song trong điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay cần tập trung những vấn đề chủ yếu sau.
Phân biệt công tác quy hoạch với công tác nhân sự: Công tác quy hoạch là việc chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự từ xa cho công tác cán bộ, bao gồm cả khâu đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để chuẩn bị bố trí, bổ nhiệm cán bộ trong tương lai; còn công tác nhân sự là việc lựa chọn người để bố trí, bổ nhiệm vào vị trí có nhu cầu theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ.
Do vậy, việc lựa chọn nhân sự vào quy hoạch cần có tiêu chí, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và sự liên thông giữa quy hoạch của cấp trên và cấp dưới; đồng thời phải làm nhiều lần, bổ sung, điều chỉnh dần, không nhất thiết phải đủ số lượng ngay từ đầu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
|
Xác định rõ thế nào là cán bộ cấp chiến lược
Cán bộ cấp chiến lược là cán bộ đủ tầm cỡ, đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ đảm đương và giải quyết được những vấn đề chiến lược của quốc gia, của đất nước.
Người cán bộ cấp chiến lược phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhãn quan chính trị, tầm hiểu biết sâu rộng và khả năng tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chiến lược bằng những hình thức, biện pháp, bước đi thích hợp trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, cụ thể của đất nước.
Cán bộ cấp chiến lược là những người có tố chất tầm chiến lược của quốc gia chứ không phải là người có điều kiện tuổi tác tham gia, nắm giữ công việc ấy dài lâu hoặc vì những lý do nào đấy. Việc đảm bảo kết hợp ba độ tuổi và cơ cấu là cần thiết song vấn đề quyết định, cốt lõi, bản chất của cán bộ cấp chiến lược là những tố chất tầm chiến lược. Từ đấy sẽ gạt bỏ những sai trái lệch lạc, phiếm diện, cơ hội, cá nhân, chủ quan trong công tác cán bộ nói chung, trong việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng. Đây thực sự là vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh của quốc gia, liên quan đến sự phát triển của đất nước.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược
Việc quy hoạch cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng xưa nay chúng ta đã đề cập, song việc thực hiện còn khá hình thức, tùy tiện, thiếu thường xuyên liên tục và bài bản. Vì thế có tình trạng hẫng hụt, bị động, lúng túng trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, nhất là khi tổ chức đại hội các cấp.
Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược được tiến hành theo quy trình cơ bản. Trước hết, xác định rõ yêu cầu chiến lược đối với loại cán bộ mà đất nước đang cần. Thứ hai, thật sự khách quan, công tâm, trong sáng vì việc mà chọn người. Thứ ba, phát hiện sớm những người có tố chất của người cán bộ cấp chiến lược. Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách. Thứ năm, bố trí sau khi xác định, đánh giá đúng thực chất đối với họ qua các khâu đã tiến hành nêu trên. Như vậy sẽ tránh tình trạng quy hoạch hình thức, quy hoạch một đằng, làm một nẻo, vừa tốn công sức, tiền của, thời gian, vừa ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, sự trong sáng lành mạnh của công tác cán bộ.
Bố trí cán bộ cấp chiến lược
Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp chiến lược là vô cùng hệ trọng. Nó đòi hỏi người cán bộ được bố trí thể hiện toàn bộ phẩm chất, năng lực, trình độ tầm chiến lược trong cuộc sống, là những cơ sở bảo đảm cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược được giao. Công việc ấy của họ liên quan đến chiến lược quốc gia, đến sự vận động phát triển của đất nước. Bố trí đúng cán bộ chiến lược thì đất nước sẽ ổn định, phát triển. Ngược lại bố trí sai cán bộ chiến lược thì đất nước lúng túng, quẩn quanh, thụt lùi, tụt hậu so với khu vực và thế giới…
Có quan điểm đúng và trách nhiệm cao trong công tác cán bộ chiến lược
Quan điểm đúng và trách nhiệm cao của những cá nhân, tổ chức làm công tác cán bộ chiến lược có ý nghĩa, tầm quan trọng vô cùng lớn vì nó liên quan đến đường lối, chất lượng, hình thức, bước đi của quá trình phát triển đất nước thông qua thực tế hoạt động của những cán bộ cấp chiến lược này. Đó là sự thống nhất tư tưởng, có quan điểm rõ ràng về mục đích, yêu cầu chọn, bố trí cán bộ cấp chiến lược. Sự thống nhất này từ yêu cầu khách quan của những đòi hỏi của cuộc sống, tuyệt nhiên không để những quan điểm, tình cảm, ý thức thiếu trách nhiệm với nhân dân, với đất nước chi phối.
Quan điểm đúng và trách nhiệm cao của cá nhân và tổ chức làm công tác cán bộ cấp chiến lược thể hiện ở nhiều điểm, song có thể khái quát ở các điểm chính sau: Thứ nhất, phải khách quan, công tâm, thật sự vì dân, vì Đảng, vì nước, trong các khâu của quy trình làm công tác cán bộ chiến lược. Thứ hai, xác định rõ các tiêu chuẩn của người cán bộ cấp chiến lược. Trong đó tiêu chuẩn trung thành với lợi ích của nhân dân, của đất nước, của dân tộc được đặt lên hàng đầu cùng với các tiêu chuẩn đức và tài. Thứ ba, có cơ chế khách quan, khoa học thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, đánh giá cán bộ cấp chiến lược và có biện pháp đúng đắn, nghiêm minh, công khai, dân chủ với cán bộ chiến lược trên cơ sở kiểm tra, giám sát của Đảng, các cơ quan chức năng và của nhân dân. Thứ tư, bố trí tăng số dư và có tranh cử của những cán bộ dự kiến bố trí ở cấp chiến lược để có cơ sở lựa chọn đúng người, đúng việc một cách công khai, dân chủ, minh bạch. Thứ năm, thực hiện có lên, có xuống trên cơ sở thực chất chất lượng, hiệu quả công việc mà trách nhiệm người cán bộ cấp chiến lược đảm nhiệm.