Quy hoạch đô thị từ tĩnh sang động

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống quản trị bằng công nghệ là một yêu cầu quan trọng trong việc đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị và giảm thiểu việc tra cứu hồ sơ quy hoạch theo phương pháp truyền thống. Theo KTS Nguyễn Trọng Huấn - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh và bền vững.

Một góc đô thị Hà Nội với những mảng xanh. Ảnh: Công Hùng
Quy hoạch chưa phù hợp với thực tiễn
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, công tác quy hoạch đô thị tổng hợp nhiều vấn đề như đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật và cấu tạo môi trường sống... Vì vậy, quy hoạch được coi là định hình để phát triển của một đô thị.

Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện tích Hà Nội ổn định với 3.358km2, dân số khoảng 8 triệu người (tăng gấp 1,2 lần so với năm 2008), trở thành một trong những “siêu Thủ đô” của thế giới. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Nội với vị thế là một trong hai đô thị đầu tàu của cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, có sự gia tăng nhanh về quy mô dân số. Trước những thách thức của thời đại, yêu cầu Thủ đô phải có sự ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nói chung, trong đó có công tác quy hoạch và xây dựng đô thị.

Tất cả các đồ án quy hoạch của TP đã được tổ chức rà soát lại, phân loại và chọn lọc các đồ án phù hợp với quy hoạch mở rộng, để kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai. Trong số 624 đồ án được rà soát, chỉ còn lại 329 đồ án được tiếp tục kiến nghị cho phép tiếp tục triển khai thực hiện.

Nhìn nhận thực tế, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Lê Vinh cho biết, công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch xây dựng nói riêng trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng một số đồ án chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình lập dự án đầu tư. Tiến độ thực hiện các đồ án còn chậm, đặc biệt là các đồ án quy hoạch, còn nhiều đồ án tồn tại từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. “Bên cạnh đó, nhiều trường hợp vi phạm xây dựng, sai thiết kế vẫn xảy ra do công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ đầu tư bộc lộ những hạn chế” - ông Vinh nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác quy hoạch của Thủ đô vẫn còn thụ động, chủ yếu dựa vào nguyên tắc thiết kế tĩnh. Các khu nhà cao tầng được mọc lên nhiều trong vùng nội đô, khiến cho các phương tiện giao thông các nhân ngày càng nhiều gây áp lực giao thông. Các khu đô thị mới được xây dựng chủ yếu phục vụ cho tầng lớp thượng lưu và trung lưu, tạo ra sự cô lập giữa các cộng đồng dân cư.

PGS.TS Đinh Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, hiện nay, khi thế giới đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đô thị Hà Nội cần phải có sự cải cách trong công tác lập quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng phải chuyển từ hướng tĩnh sang động, với cách tiếp cận đa ngành. “Phải có sự tương đồng giữa bản sắc văn hóa với các thiết kế đô thị, phù hợp với điều kiện tự nhiên và phong tục của cư dân của đô thị đó. Thế giới đã chứng kiến rất nhiều sự giống nhau về diện mạo và lối sống đô thị, đó là hệ quả của việc copy - paste mô hình trong quá trình toàn cầu hóa” - PGS. TS Đinh Quốc Thông chia sẻ.

Phát triển bền vững

Quá trình phát triển đô thị tại Hà Nội đang đặt ra rất nhiều thách thức cho nhà quản lý. Đó là việc quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, ô nhiễm môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng... Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có một công cụ để có thể quản lý một cách hiệu quả các nhiệm vụ quy hoạch đô thị.

Ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý quy hoạch đã được các nước phát triển thực hiện từ lâu. Từ những năm 90 của thế kỷ XX, các đô thị lớn như London, Paris, Chicago, Tokyo, Singapore, Seoul... đã triển khai đồng bộ công nghệ số trong công tác quy hoạch và vẫn đang phát triển hiệu quả.

Thời gian qua, Hà Nội đã thu được nhiều kết quả tích cực từ việc ứng dụng của công nghệ số trong quản lý giao thông thông minh. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải mở rộng ra nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, như hệ thống quy hoạch, quản lý thông tin đất đai, quản lý thông tin quy hoạch, quản lý nhân lực, quản lý điều hành hệ thống công ích, quản lý hộ khẩu, y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao...

Theo KTS Nguyễn Trọng Huấn - Hội KTS Việt Nam, trong các công đoạn quy hoạch và hoạt động quản lý đô thị đều cần phải dựa trên cơ sở phân tích thông tin. Cơ sở dữ liệu càng đầy đủ, chi tiết và chính xác, công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh càng hiệu quả. “Hệ thống quản trị bằng công nghệ sẽ hỗ phương pháp phân tích khoa học đa tiêu chí, phân tích, đánh giá tổng hợp dựa trên 3 phương diện phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường” - KTS Nguyễn Trọng Huấn cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần