Sáp nhập, tăng buổi học
Tình trạng sinh viên SP ra trường không có việc làm đã diễn ra vài năm nay bởi cung và cầu không cân đối. Mổ xẻ vấn đề này, các chuyên gia cho rằng do không tính trước được cung - cầu sát thực tế; và cũng còn do phát triển hệ thống trường SP ồ ạt (mỗi tỉnh có một trường) khiến giáo sinh tốt nghiệp khó tìm được việc làm... Nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường cao đẳng, SP, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, số học sinh trong lớp hiện nay tới 50 - 60 em là không hợp lý. Điều kiện cơ sở vật chất không đầy đủ, các nhà trường không thể bố trí dạy học 2 buổi/ngày cũng làm cho GV càng thừa hơn.
Từ quan điểm này, PGS Trần Xuân Nhĩ đề nghị quy hoạch lại các trường đào tạo GV một cách chặt chẽ theo hướng có chất lượng. Thứ nhất, quy mô lớp học chỉ hơn 30 sinh viên, để GV có điều kiện theo dõi sát và nhận xét chính xác từng học trò. Hơn nữa, nếu thay đổi phương pháp dạy học theo nhóm, số học sinh trong lớp không thể quá nhiều. Để việc dạy học có chất lượng, phải nhanh chóng dạy học 2 buổi/ngày. Mà để thực hiện những thay đổi này, xã hội hóa là giải pháp hữu hiệu nhất. Đối với mỗi tỉnh có 1 trường SP, nên quy hoạch gọn lại còn khoảng 30 - 40 trường do Nhà nước trực tiếp quản lý. Ở vùng sâu, xa, miền núi, thiết kế 2 tỉnh có 1 trường để tận dụng nguồn nhân vật lực tốt nhất. Những trường SP không trong quy hoạch nên chuyển thành nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương.
Trong khi đó, GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nghiêng về xu hướng mà nhiều nước đang làm. Ông phân tích: “Thay vì xây dựng các trường chuyên về SP, họ thường tích hợp SP vào trường đa ngành. Một là, để các ngành hỗ trợ nhau giúp cho hoạt động đào tạo của SP tốt lên. Hai là, khi nhu cầu GV không còn nhiều, các ngành SP sẽ linh hoạt chuyển sang hướng khác". Tuy nhiên, GS Thiệp cũng băn khoăn, ở Việt Nam đã xây dựng hệ thống các trường SP độc lập, giờ tích hợp vào trường đa ngành, e rất khó khăn.
Đổi mới phương pháp đào tạo
Trong việc đề xuất quy hoạch lại các trường SP, cũng có chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH phối hợp với các tỉnh giải bài toán nhân lực GV trong 5 - 10 năm tới. Việc đào tạo GV phải gắn liền với phát triển dân số, rồi giao chỉ tiêu cứng cho từng trường trong tỉnh, TP. Nhưng, theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, để giáo sinh có việc làm, đội ngũ giảng viên ở các trường SP phải chất lượng. Chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với sự đổi mới và gắn với giáo dục phổ thông. Nghĩa là giáo trình ngành mầm non phải theo sát sự thay đổi trong cách dạy học sinh độ tuổi này, tương tự đào tạo GV bậc tiểu học, THCS hay THPT cũng phải như thế. Trước mắt, khi đang dư thừa GV, các trường SP nên giảm chỉ tiêu và chọn những em có học lực giỏi. Trong quá trình học, tiếp tục chọn lọc đầu ra bằng cách những sinh viên không đáp ứng được yêu cầu phải chuyển sang ngành khác.
Đi sâu vào hoạt động đào tạo của các trường SP, GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trong công cuộc đổi mới giáo dục, chúng ta phải thay đổi cách dạy và học. Với các trường SP, phương pháp dạy học cho giáo sinh sẽ là công cụ, phương tiện hành nghề của họ sau này. Nghĩa là phương pháp đào tạo phải phát huy được việc tự học, tự sáng tạo của GV. Các giáo sinh học cũng phải hiểu, mục tiêu mình hướng đến, cần những điều gì.
Như vậy, bên cạnh việc quy hoạch các trường SP, điều quan trọng nhất là đổi mới triết lý dạy học và cuối cùng là thực học, thực dạy và thực nghiệp để gắn bó với nghề.
Giờ học của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
|