Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/3, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ GTVT triển khai công tác quản lý về GTVT, phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, mặc dù trong những năm qua, công tác đầu tư phát triển hạ tầng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để những công trình, dự án (DA) đem lại hiệu quả lâu dài rất cần những bản quy hoạch có tầm nhìn dài hơi.

Nhiều dự án gặp khó

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, thời gian qua, công tác đầu tư cũng như quản lý kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là các DA giao thông đường bộ. Cụ thể, trong năm 2015, Bộ GTVT và TP Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều công trình có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc, TNGT ở nội đô như: Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, cầu Nhật Tân và đường nối Nhật Tân – Nội Bài, hầm Trung Hòa, hầm Thanh Xuân, đường 5 kéo dài, đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân – Cầu Giấy… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, không ít DA trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn trong công tác GPMB cũng như vốn để triển khai. Đơn cử như các DA đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Hòa Lạc  - Hòa Bình; Pháp Vân – Cầu Giẽ giai đoạn 2… Việc chậm trễ triển khai các DA đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo trật tự ATGT, chống ùn tắc tại khu vực nội đô.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại Hội nghị. 	Ảnh: Yên Đan
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: Yên Đan
Do đó, ông Trường đề nghị, trong thời gian tới, UBND TP Hà Nội xem xét đẩy nhanh tiến độ DA đường Vành đai 3,5 và 4 trên địa bàn TP, những khu vực đã được Bộ GTVT giao cho Hà Nội quản lý. Đối với DA đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Trường cho biết, hiện DA đang gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn, giải ngân cho các nhà thầu phụ. Do đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ xem xét cho các DN ứng tiền của mình để thực hiện DA và Nhà nước sẽ trả sau, hoặc Nhà nước bố trí các nguồn vốn khác để triển khai DA theo đúng tiến độ đề ra…

Xem xét hạn chế phương tiện cá nhân
Trong giai đoạn 2016 – 2020, UBND TP Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT đầu tư các hạng mục trọng điểm thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung, với 65 dự án, kinh phí thực hiện hơn 400.000 tỷ đồng.  Theo kế hoạch, Bộ GTVT đầu tư 2 cầu bắc qua sông Hồng là cầu Việt Trì - Ba Vì và cầu Mễ Sở; UBND TP Hà Nội đầu tư xây dựng 5 cầu qua sông Hồng và 2 cầu qua sông Đuống.

Cũng tại Hội nghị, nhiều đại biểu đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm thiểu UTGT và ô nhiễm môi trường… Theo ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân không chỉ tạo ra áp lực lên hạ tầng giao thông dẫn đến UTGT mà đang trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Hùng cho biết, theo thống kê của các tổ chức nước ngoài, mỗi năm Việt Nam có khoảng 44.000 người chết vì ô nhiễm môi trường. Trong đó, không ít trường hợp tử vong do bầu không khí ô nhiễm tại Hà Nội. Do đó, đề nghị TP Hà Nội triển khai các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Đồng quan điểm, ông Trường đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét cấp quota để được mua xe ô tô đi vào TP, đấu thầu quyền được mua ô tô cá nhân tại Hà Nội.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, Bộ GTVT nên xem xét cấm các phương tiện trung chuyển hoạt động ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo lý giải của ông Thường, loại hình trên chỉ phù hợp ở những đô thị chưa phát triển, nhưng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các loại xe này đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự ATGT cũng như hoạt động của các DN vận tải làm ăn chân chính.

Liên quan đến việc hạn chế phương tiện cá nhân tại Hà Nội, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện Sở GTVT đã làm việc với Viện Chiến lược phát triển giao thông (Bộ GTVT) để đưa ra những phương án hạn chế phương tiện cá nhân cụ thể. Theo dự kiến, trong tháng 3, các đơn vị có liên quan sẽ có văn bản xin ý kiến của UBND TP Hà Nội, nếu được thông qua, trong tháng 4, UBND TP sẽ có văn bản gửi Thành ủy Hà Nội xin ý chỉ đạo.

Nhiều việc phải làm để bảo vệ môi trường

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự chủ động của Bộ GTVT trong việc cùng TP Hà Nội tổ chức Hội nghị nhằm rà soát các vấn đề GTVT đang còn vướng mắc để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hệ thống hạ tầng giao thông của cả nước và Hà Nội dù phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhu cầu phát triển phương tiện. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý hệ thống giao thông, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế đã khiến hệ thống giao thông trở nên nặng nề hơn.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian tới, các đơn vị làm quy hoạch phải đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc, TNGT trong khu vực nội đô. Cụ thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị có liên quan ngay trong năm nay phải hoàn thành quy hoạch các DA giao thông ngầm; đối với các DA giao thông quan trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải có dự phòng một cách phù hợp, tránh tình trạng đường vừa thông, xe đã quá tải.

Đề cập đến công tác bảo vệ môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định, đây là vấn đề có nhiều việc phải làm, đồng thời khẳng định, nếu không có hành động ngay từ bây giờ thì sợ rằng một ngày nào đó, ô nhiễm tại Hà Nội sẽ còn vượt Bắc Kinh (Trung Quốc). Để ngăn chặn tình trạng trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, với xe ô tô, đã có quy định là xe ra khỏi công trường xây dựng phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ, phải tăng cường xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. “Ngay từ bây giờ phải quy hoạch các điểm rửa xe ở các cửa ô. Phải có tiêu chuẩn và mời gọi nhà đầu tư vào tham gia thực hiện. Các xe không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường thì kiên quyết không cho vào nội đô và phải tăng cường xử phạt” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Hiện, Hà Nội có 401.700 xe ô tô các loại (xe con hơn 275.000 chiếc, xe khách hơn 20.000 chiếc, xe tải hơn 15.000 chiếc), mức tăng trưởng ô tô hàng năm khoảng 5 - 10%. Trong đó có 10.590 xe hết niên hạn sử dụng (xe khách 3.228 chiếc, xe tải hơn 7.200 chiếc). Xe ô tô hết hạn kiểm định từ một tháng trở lên gần 32.000 chiếc.
Ông Trần Kỳ Hình Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam