UBND TP vừa phê duyệt Quy hoạch chung thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức đến năm 2030, tỷ lệ 1/5.000. Quy hoạch chung thị trấn Đại Nghĩa với mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.
Đây là đô thị sinh thái mật độ thấp, phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng.
Thị trấn Đại Nghĩa sẽ trở thành đô thị “truyền thống - sinh thái - văn minh”, đô thị khai thác trên cơ sở các giá trị xã hội, cảnh quan quy hoạch kiến trúc đặc trưng, phát triển hiệu quả, hài hòa, có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Ảnh minh họa.
|
Theo quy hoạch, quy mô dân số dự báo tối đa của thị trấn Đại Nghĩa đến năm 2030 khoảng 12.000 người. Tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu quy hoạch khoảng 495,06ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 239,5ha. Định hướng phát triển không gian đô thị là chuyển đổi từ mô hình đô thị lấy giao thông đối ngoại làm trung tâm thành mô hình đô thị lấy không gian cây xanh, mặt nước làm trung tâm; phát triển không gian đô thị có tính truyền thống, thân thiện, ấm cúng, có sức thu hút và lưu giữ khách du lịch.
Trong đó, không gian ven sông Đáy sẽ tổ chức đường, quảng trường ven sông với khả năng tiếp cận mặt nước sông ở những cao độ khác nhau, xây dựng bến thuyền kết nối với quảng trường ven sông, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch, thương mại trên các tuyến phố ven sông, nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới đường hướng sông hiện có để nhấn mạnh cấu trúc đô thị hướng sông, làm tăng khả năng hội tụ các hoạt động giao lưu.
Đối với khu vực dân cư làng xóm hiện hữu ven sông Đáy, sẽ cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, mở rộng các tuyến giao thông hiện hữu; bổ sung sân chơi, không gian công cộng, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; khuyến khích xây dựng mật độ cao và phát triển dịch vụ tại các khu vực có giá trị cao về cảnh quan, xung quanh các không gian mở công cộng.
Đối với khu đô thị mới phía Tây tỉnh lộ 419, trên cơ sở cấu trúc kênh mương hiện hữu, tổ chức cấu trúc mặt nước đô thị với điểm nhấn là các hồ mới hình thành nên trục lõi đô thị mới gắn kết với các khu đô thị dịch vụ khuyến khích mật độ cao, liên kết bởi các quảng trường công cộng - nơi hội tụ các hoạt động giao lưu và dịch vụ đô thị. Trong không gian đô thị mới phát triển về phía Tây đường 419, bố trí quỹ đất phát triển một số khu chức năng đáp ứng nhu cầu của đô thị như: trung tâm hành chính mới của huyện, các cơ quan, trường đào tạo mới, không gian vui chơi giải trí công cộng, khu trung tâm đô thị mới, các khu dân cư đô thị mới và tái định cư…