Quy hoạch tổng thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Đánh thức không gian thi cử xưa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám với mục tiêu bảo tồn và phát huy trọn vẹn giá trị của di tích này. Với một di sản có hơn 10 thế kỷ thăng trầm qua các triều đại, việc ngày nay khoanh vùng vào bảo tồn như thế nào sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của "trường đại học" đầu tiên của Việt Nam.

 Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng 
Khái niệm Văn Miếu - “trường đại học” đầu tiên của Việt Nam với tổ hợp gồm hai di tích thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam, không hề xa lạ với bất cứ ai. Nhưng, những thăng trầm của di tích này lại là một câu chuyện dài.

Thăng trầm của di sản

Được cho là hình thành từ thời Lý (thế kỷ XI) nhưng đến thời Pháp thuộc, không gian của Văn Miếu chỉ giới hạn bên trong những bức tường bao quanh. Phải đến năm 1899, thống sứ Bắc Kỳ đã ký quyết định mở rộng không gian Văn Miếu trong phạm vi một vùng đất 4 cạnh, với các con đường mà nay là Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng… Không chỉ ở thời Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông hoặc thời vua Trần, thời Hậu Lê mà những năm đầu của thế kỷ XIX, Văn Miếu vẫn được triều Nguyễn đổi dựng không gian thờ tự và dựng nên Khuê Văn Các - biểu tượng của Hà Nội ngày nay. Để rồi, năm 1947 giặc Pháp cũng từng nã đạn phá hỏng hình Khuê Văn Các để lại 4 cột đá trơ trọi.
Quy hoạch Văn Miếu được phê duyệt được coi như một cột mốc đặc biệt để người Hà Nội cùng hy vọng di sản văn hóa quốc gia đặc biệt này sẽ có một sự khởi tồn, phát huy theo hướng dài hơi và các tác dụng dài lâu với việc bảo tồn di tích. Để Văn Miếu cùng với Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ là những di sản mãi trường tồn cùng với thời gian, lưu giữ những giá trị đặc sắc nhất của Hà Nội và cả nước.

Cuối thế kỷ XIX, thống sứ Bắc Kỳ mở rộng không gian nhưng vẫn bỏ quên Hồ Văn, tên cũ xưa gọi là Thái Hồ. Giữa hồ có gò Kim Châu, là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của nho sĩ kinh thành xưa. Thế nên, năm 1939, các quan lại và thân hào địa phương đã gửi đơn yêu cầu HĐND TP trả lại khu vực Hồ Văn cho Văn Miếu và được chấp nhận vào năm 1940. Nhưng rồi, sau đó Hồ Văn lại bị tách ra khỏi không gian chung của Văn Miếu và giao cho chính quyền quận Đống Đa quản lý trong vai trò của một khu vui chơi công cộng. Phải tới năm 1999, tức là cách đây tròn 20 năm, trong đợt chỉnh trang lớn tại Văn Miếu, phần diện tích Hồ Văn một lần nữa mới được chuyển giao cho ban quản lý của khu di tích này.

Mặc dù trên danh nghĩa Hồ Văn thuộc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám quản lý, nhưng khu vực này như lạc giữa tổng thể chung của di tích. Nếu khu vực nội tự náo nhiệt người qua lại, thì Hồ Văn đóng cửa im ỉm. Có thời kỳ còn là nơi ám ảnh về các vụ chết đuối và tự tử. Gò Kim Châu nằm giữa Hồ Văn vốn là tòa Khương đình được nối bằng chiếc cầu đá để các thi sĩ bình thơ lại mọc lên một đền thờ mới, cho các thanh đồng hầu mẫu. Cuộc phân giải giành lại Hồ Văn một lần nữa cũng đầy trắc ẩn. Thế nhưng rồi, các đơn vị quản lý cũng đầy nỗ lực để giành lại cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám một không gian với kết cấu đặc thù ở thời kỳ thịnh nhất. Và đến nay, với nhu cầu của mối quan hệ toàn cầu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại trước một thách thức mới cần đánh giá để bảo tồn và phát huy giá trị.

Thách thức bảo tồn

Một năm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng chục triệu lượt khách tham quan. Theo hướng dài lâu, nơi đây không thể tăng lượng người tạo nên những tác động không tốt lên di tích. Bởi vì, cứ nhìn cái cảnh dòng người chen chúc đổ về Văn Miếu những dịp đầu Xuân và ngày lễ, vườn Giám và hè đường bao quanh Văn Miếu bị trở thành nơi chứa các loại phương tiện giao thông. Hồ Văn hiện vẫn bị cắt lìa với các công trình còn lại bởi trục đường Quốc Tử Giám, khiến du khách rất ngại vượt qua dòng xe lưu thông để sang hồ. Mặc dù đơn vị quản lý đã nỗ lực tổ chức các hoạt động nghệ thuật, trình diễn, Hội chữ Xuân, triển lãm thư pháp; tái dựng khung cảnh lều chõng xưa của sĩ tử… nhưng lượng người về với Hồ Văn vẫn bị hạn chế. Chưa kể, giữa Hồ Văn, gò Kim Châu (tương truyền là nơi các sĩ tử bình văn, vịnh thơ trong lịch sử), cũng bị cô lập vì không có cầu dẫn ra.

Bên trong khu vực Nội tự, dù đã hạn chế thắp hương nhưng vào các mùa khen tặng học sinh xuất sắc, hoặc dịp trước các kỳ thi sĩ tử cần “cầu may” vẫn đông nghịt người ra vào vái xin. Khu vực 82 bia đá tiến sĩ phải dựng cả hàng rào sắt (dù chẳng mấy thẩm mỹ) để ngăn tình trạng sờ đầu rùa. Những công trình ở bốn con đường mà nay là Văn Miếu, Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng mặc dù đã phải tuân thủ quy trình xin phép phê duyệt cấu trúc nhưng cũng phần nào làm xấu cảnh quan chung của di tích.

Thủ tướng Chính phủ ký quy hoạch lần này không ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, trong đó, khảo sát, điều tra, sưu tầm tài liệu, tổng hợp các dữ liệu, số liệu về lịch sử, văn hóa của di tích. Ngoài ra, khảo sát hiện trạng và đánh giá hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích; tình hình đầu tư các dự án bảo tồn, tu bổ các di tích trong giai đoạn trước đây, các dự án hỗ trợ phát huy giá trị di tích. Quy hoạch cũng tính cả việc nghiên cứu, đặc biệt kiến trúc mặt tiền của các phố Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Tôn Đức Thắng. Cũng có rất nhiều đề xuất phải đưa ra trong quy hoạch, trong đó có cả việc tìm giải pháp phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể và hệ thống bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám; xây dựng tuyến du lịch kết nối di tích với các địa danh du lịch trọng điểm khác của Hà Nội… Hà Nội có 18 tháng để hoàn thành khối công việc đồ sộ mà Quy hoạch đề ra.

Nhiều ý tưởng đang chờ đợi

Theo Giám đốc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, bước đầu tiên sau khi Quy hoạch được phê duyệt là việc chọn đối tác lập Quy hoạch; hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia và các nhà khoa học và cộng đồng dân cư để lập phương án… Tuy nhiên, những việc cần làm trước mắt đã được đơn vị này phải nghĩ tới, đó là nên hay không tái dựng không khí khoa cử ngày xưa, sinh hoạt của trường Giám… Thêm nữa là nhiệm vụ phục dựng Khương đình, cầu đá để làm đường nối ra gò Kim Châu.

Vấn đề có tác động mạnh mẽ hơn cũng từng được đề xuất cũng sẽ được đưa ra nghiên cứu là giải tỏa, kéo dài đường Hoàng Diệu tới Quốc Tử Giám. Khi dòng giao thông chuyển sang trục đường mới này, khu vực phố Văn Miếu sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ bằng cách chỉnh trang lớp nhà mặt ngoài, bố trí ghế nghỉ, các dịch vụ lưu niệm. Từ cuối phố Văn Miếu, một hầm bộ hành sẽ được mở để kết nối với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và kéo dài theo phố Cao Bá Quát về hướng Hoàng thành Thăng Long. Rồi, theo quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội, một ga tàu điện ngầm sẽ được bố trí ở khu vực Văn Miếu (dự kiến cạnh Hồ Văn hiện tại).

Sẽ còn rất nhiều khó khăn khi thực hiện, nhiệm vụ quy hoạch Văn Miếu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần